Ăn ngon hơn ở nhà
Con đường gập ghềnh sỏi đá và uốn lượn quanh co đưa chúng tôi đến Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu. Giữa bao la núi đồi ngôi trường mái đỏ tường vàng hiện ra trước mắt. Với một trường ở miền núi, cơ sở vật chất của nhà trường khá khang trang do tập trung hỗ trợ của Nhà nước và một phần xã hội hóa. Gặp chúng tôi, các em học sinh người Mông, Thái tỏ ra rất tự tin và lễ phép. Điều dễ dàng cảm nhận nhất đó là niềm vui ánh lên trong những đôi mắt, nụ cười của các em học sinh đến từ những bản làng xa xôi.
Cô giáo Lường Thị Hồng Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nậm Hàng chia sẻ: Năm học 2015 - 2016, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nậm Hàng có 310 học sinh, trong đó 157 em ở nội trú. Được sống trong môi trường nội trú đã giúp các em tự tin hơn rất nhiều. Nếu trước đây gặp người lạ các em thường lẩn tránh, ngại giao tiếp, đặc biệt là em gái. Bây giờ các em rất chịu khó tham gia các công việc trong lớp và hăng hái tham gia xây dựng bài học.
Chính sách hỗ trợ cho học sinh giúp tăng tỷ lệ chuyên cần ở các trường bán trú vùng cao. |
Theo cô Loan, các em học sinh được như thế này mới chỉ cách đây mới có mấy năm. Trước đây, các em phải tự lập mọi việc, từ giặt giũ, vo gạo, cho đến thổi cơm. Mỗi em khi xuống học đều mang theo 2, 3 kg gạo, thêm túi măng ớt, 1 cái nồi. Mỗi lần nấu cơm chỉ cho gạo vào nồi, thêm bát nước. Cơm chín mỗi đứa một cái thìa múc luôn tại nồi, ăn với măng rừng ngâm ớt. Thầy cô thấy học trò kham khổ quá lại góp nhau chút đồng lương ít ỏi để mua thêm thức ăn cho học trò.
“Bây giờ đã khác, học xong, đến giờ các em xuống nhà bếp đã có cơm canh nóng do nhà bếp nấu sẵn, buổi trưa ăn xong thì đi ngủ, chiều học tiếp, buổi tối ăn xong được nghỉ ngơi, từ 7 giờ rưỡi đến 9 giờ các em tự học có thầy cô giáo kèm và hướng dẫn. Em nào yếu, không theo kịp đều được kèm cặp thêm”, cô Loan cho biết.
Hàng tháng, mỗi học sinh được hỗ trợ 15 kg gạo và 460.000 đồng tiền ăn. |
Em Vàng Thị Tòng, lớp 9B tâm sự: “Ngày trước đi học mệt lắm, vì phải đi bộ gần một buổi về nhà lấy gạo, lấy rau. Giờ ở trường đi học còn được ăn ngon hơn ở nhà. Được ở chung với các bạn nữa nên rất vui.
Môi trường phát triển toàn diện
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái thực hiện chế độ bán trú từ tháng 8/2011. Năm học 2015 - 2016, trường có 323 em được hưởng theo chế độ bán trú.
Thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng tháng, các em được cấp 15 kg gạo và 460.000 đồng tiền ăn. Nhà trường thực hiện ghi bảng công khai thực phẩm, lịch chế biến thực phẩm, lưu mẫu thức ăn trước mỗi bữa ăn hàng ngày. Nhà trường có kho gạo được sắp xếp gọn gàng sạch sẽ; thức ăn tươi sống được bảo quản bằng tủ lạnh. Các nhân viên cấp dưỡng được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ.
Một nhóm học sinh vui chơi sau giờ học. |
Để có nguồn thực phẩm dồi dào, cải thiện bữa ăn và bổ sung vào các dịp lễ trong năm, các thầy cô giáo và các em học sinh đã tranh thủ thời gian vào cuối buổi chiều để nuôi 9 - 10 con lợn. Nhờ đó đã tận dụng có hiệu quả nguồn thức ăn dư thừa.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh trong trường 100% là các em học sinh người Mông, có nhiều em ở những bản rất xa về học tại trường. Để giúp các em quen dần với môi trường nội trú và yên tâm học tập, thầy cô vừa làm thầy vừa đảm nhiệm vai trò là cha, mẹ hướng dẫn, chỉ bảo các em nề nếp sinh hoạt; kèm cặp các em học tập ngoài giờ lên lớp; nấu nướng cho các em ăn... Vì vậy, các em rất gắn bó với thầy cô, bạn bè và mái trường; điều này cũng giúp việc huy động học sinh tới trường, duy trì sĩ số đều đặn hơn.
Giờ kẻng báo hiệu đến giờ ăn trưa, học sinh từ các lớp ùa ra giữa sân xếp từng hàng một theo thứ tự nhỏ đến lớn. Một đội các em trực nhật đã sớm xuống bếp để lấy tô, bát, múc cơm, bày thức ăn ra sẵn trên bàn. Trên sân lần lượt từng hàng một các em học sinh đi trật tự xuống bếp ăn. Cứ 6 em ngồi một bàn. Thực đơn hôm nay gồm có thịt lợn kho, rau cải xào, canh và trứng rán. Không khí ăn uống rất náo nhiệt.
Em Mùa Thị Ca, học sinh lớp 6A kể: “Từ ngày được vào ở nội trú, chúng em không phải hàng ngày đi bộ đến trường nữa, chỉ đến chiều thứ sáu mới về nhà, chiều chủ nhật lại xuống trường. Đến trường học vui lắm, ngoài học chữ, học làm toán và các môn trên lớp, chúng em lại được các thầy cô dạy nhiều thứ khác, được hướng dẫn vui chơi. Nhiều bạn ở bản em ngày trước bỏ học, giờ thấy các bạn đi học vui quá, lại xuống trường xin học lại rồi”.
Ở trường bán trú giúp các em có điều kiện thường xuyên giao tiếp tiếng Việt, hình thành nề nếp trong lao động, sinh hoạt và ở đây các em còn được tham gia các hoạt động tập thể. Chị Giàng Thị Rua xuống thăm con, chị vui lắm khi tận mắt thấy con mình được ăn, ở đàng hoàng, chị bảo: “Nhà mình nghèo lắm, cô giáo bảo đi học có gạo ăn, có chỗ ở, gia đình không phải lo nhiều, mình cho con đi học. Bây giờ ở trường sướng hơn, nó ít về nhà nhưng gia đình vẫn vui và yên tâm lắm”.
Ông Phạm Mạnh Tưởng, Trưởng phòng GD - ĐT Trạm Tấu cho biết: Từ những lều lán do phụ huynh ở các bản xa dựng trên các khu đất ở gần trường để con em mình lấy chỗ ăn nghỉ. Đến nay toàn huyện đã có 10 trường PTDTBT, mô hình PTDTBT đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong giáo dục ở vùng cao. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, số lớp học bán trú đã tăng 6 lớp và 501 học sinh so với năm học 2011 - 2012. Năm học 2014 - 2015, chất lượng giáo dục huyện Trạm Tấu tăng hơn năm học trước, biểu hiện qua tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt từ 98% trở lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99,9%, tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 100%.