Cần được đầu tư trường, lớp
Đêm biên giới giá lạnh, sương phủ dày đặc. 22 giờ, thầy phụ trách Trường Tiểu học số 1 Mù Cả Lò Văn Bảo soi đèn pin đi từng phòng bán trú để kiểm tra giấc ngủ của học sinh. Cánh cửa phòng mở kẽo kẹt, các em vẫn say giấc, thầy Bảo quan sát, kéo chăn đắp cho học sinh và nhẹ nhàng bước ra ngoài. Sau đó thầy đi kiểm tra vườn rau của học sinh trồng có bị trâu, bò vào phá không, rồi thong thả về phòng mình. Thầy Bảo chia sẻ: “Từng đêm chưa đi từng phòng bán trú kiểm tra thì tôi chưa yên tâm đi ngủ. Các em từ bản xa về trường học, thầy cô giáo xem như con, gần gũi, đùm bọc chăm sóc. Học sinh dân tộc, nếu không được ăn ngon, yêu thương, quan tâm vỗ về thì chúng lại về bản và bỏ học, khó vận động quay lại được. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới như xã Mù Cả, học sinh ra lớp đầy đủ, tỷ lệ chuyên cần đảm bảo thì giáo viên nào cũng vui và hạnh phúc, vì có lớp, có trường mà dạy”.
Những bó hoa rừng do học sinh tặng đem đến niềm hạnh phúc với những người “gieo chữ trên non”. |
Theo lời thầy Bảo, có chế độ nuôi dạy bán trú, dù giáo viên có vất vả hơn do phải lo việc ăn, ở cho các em, nhưng tỷ lệ chuyên cần của học sinh cao, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên. Tuy nhiên, trường chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học của cả thầy, cô lẫn học trò. Trường có 6 phòng học, 3 phòng bán trú chật chội, xập xệ, được dựng bằng gỗ, tre nứa, nền đất và lợp tấm prôximăng. Năm học 2015 - 2016, trường có 136 học sinh, trong đó có 60 em ở bán trú, nhưng do phòng nhỏ nên một số em đành ra ngoài ở nhờ. Bếp nấu, nhà ăn bán trú chưa có, phụ huynh và thầy cô cố gắng dựng được 3 phòng bán trú tranh tre cho học sinh ở tạm. Giường kê bằng tấm phản, mỗi phòng chỉ rộng hơn 10 m2 nhưng có tới 20 em ở chen chúc nhau… Nhưng tập thể nhà trường và các em học sinh không nản lòng mà đoàn kết, cố gắng vượt khó khăn để vươn lên, đạt nhiều thành tích và luôn ở vị trí thứ 4 của khối tiểu học trong toàn huyện.
Đến bây giờ các thầy cô giáo vẫn chưa hết lo lắng khi kể lại, tháng 4/2014, ban đêm bỗng gió lốc đổ về cuốn bay dãy nhà bán trú và tốc hết mái phòng học. May mắn không thiệt hại về người, vì sáng thứ 6 học xong, các em đã về bản thăm nhà. Sáng hôm sau, nhìn trường lớp tan hoang, thầy, cô giáo ai cũng rơm rớm nước mắt và nhanh chóng xắn tay dọn dẹp, hong phơi chăn chiếu và sách vở cho học sinh. Mọi người bàn nhau bỏ tiền túi mua vật dụng, đi rừng lấy gỗ, tranh, tre nứa về cùng phụ huynh dựng lại trường lớp để đón học sinh về trường... Nói đến nỗi vất vả của thầy, cô và trò, các giáo viên tâm sự “Mình thì sao cũng được, học sinh khổ biết là thương nhưng đành chịu…”.
Giành hết yêu thương cho học trò
Đi xe máy từ trung tâm tỉnh vào xã Mù Cả cũng mất một ngày đường vất vả, nơi đây chỉ rừng núi, nắng gió lạnh; thầy, cô giáo và học sinh, dân bản sống không vì lợi ích riêng, tất cả mọi người dành tình yêu thương, quan tâm và sẻ chia buồn vui, là chỗ dựa tinh thần cho nhau. Học sinh từ bản xa về trường học, hoàn cảnh gia đình khó khăn, quần áo, giầy dép, sách, vở không có, giáo viên thương, bỏ tiền mua tặng các em, động viên các em đến lớp học chữ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hằng đang tập tiết mục múa “Cô giáo về bản em” cho các em học sinh. |
Cô Lê Thị Thu, Bí thư chi bộ Trường Tiểu học số 1 Mù Cả cho biết, các thầy cô giáo lên đây công tác là vì yêu nghề, thương học sinh dân tộc nên gắn bó với vùng đất khó này. Các em học sinh tiểu học còn nhỏ, xa nhà thì giáo viên xem như con, quan tâm và lo lắng từ việc học cho đến ăn ở. Các em học sinh được hướng dẫn đánh răng, rửa mặt, giặt quần áo, ăn làm sao, ngủ thể nào, để dần rèn các em tính tự giác. Thầy cô giáo xây dựng vườn rau, khuyến khích các em chăm sóc và bán cho nhà bếp lấy tiền gây quỹ lớp để mua quà tặng sinh nhật, tổ chức thăm hỏi ốm đau. Chế độ bán trú mỗi em được hưởng 460 nghìn đồng và 15 kg gạo, nếu ăn không hết thì được chia mang về cho gia đình.
Cô Thu nhớ, kể lại: “Mấy năm trước có học sinh Lý Minh và Xé Cà ở bản Mò Su về học, quần áo rách rưới, ít giao tiếp với bạn bè nên tôi ra quán mua 2 bộ quần áo trị giá 600 nghìn đồng, rồi gặp riêng các em nói cô giáo tặng để các bạn học giỏi hơn. Cầm quà tặng trên tay, các em rơm rớm nước mắt cảm ơn cô giáo. Chuyện bỏ tiền túi mua bút, sách vở, dép, quần áo cho học sinh thì giáo viên chúng tôi kể không hết được, nhưng thấy các em vui tươi hòa đồng cùng bạn bè thì trong lòng vui, mọi khó nhọc, thiếu thốn như được trút bỏ”.
Cô Thu cũng như các thầy cô trong trường, ai cũng chung mong muốn, trường lớp sớm được đầu tư xây dựng, các em học sinh có lớp học, chỗ ăn ở khang trang, sạch sẽ, để yên tâm học tập.
Theo thống kê của Sở GD & ĐT tỉnh Lai Châu hiện nay, toàn tỉnh có 52 trường PTDT bán trú dân nuôi với 13.914 học sinh; tổng số có 549 phòng ở bán trú, trong đó phòng bán kiên cố 220, phòng tạm 169, phòng nhờ mượn 12, phòng cải tạo 92. Để thực hiện công tác bán trú hiệu quả hơn theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục Lai Châu có đề xuất cần bổ sung thêm kinh phí để xây dựng phòng ở, nhà bếp, nhà ăn, điện thắp sáng, nước sinh hoạt và công trình vệ sinh cho học sinh bán trú; có biên chế nấu ăn cho các trường bán trú và hỗ trợ chế độ cho cán bộ cấp dưỡng. |