Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Kiên Giang tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu, vùng xa.
Các chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng 121 công trình gồm cầu, đường giao thông; nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học…; cấp nước sinh hoạt cho gần 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với kinh phí trên 10 tỷ đồng, xây dựng 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kiên Giang đầu tư 10 công trình điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của hơn 7.000 hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí gần 92 tỷ đồng. Đồng thời, các chương trình, dự án có liên quan khác của các ngành, các cấp ở tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí trên 300 tỷ đồng.
Ông Nghiêu Tiên Kim, ngụ ấp 3, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, chia sẻ: "Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đường sá quanh khu vực chúng tôi ở hiện được đổi mới hơn trước nhiều. Đó là nhờ Nhà nước và người dân đoàn kết cùng làm. Người dân chúng tôi ai cũng vui mừng, luôn ý thức sẵn sàng đóng góp trong khả năng để nông thôn ngày càng phát triển".
Thực tế, bên cạnh vốn từ ngân sách Nhà nước, trong những năm qua Kiên Giang còn huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội để đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, của các tổ chức hoạt động từ thiện, xã hội như: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, các nhà từ thiện trong và ngoài tỉnh.
Gò Quao là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 33,28% dân số toàn huyện, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, Tày, Mường. Trong quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Gò Quao tập trung chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách toàn diện, nhanh, bền vững. Huyện cũng không ngừng đẩy mạnh công tác giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế - văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng toàn dân.
Tính đến tháng 6/2019, huyện Gò Quao có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Định An, Định Hòa, Vĩnh Phước B và Vĩnh Hòa Hưng Nam; còn 2 xã Thủy Liễu và Thới Quản phấn đấu đạt nông thôn mới vào cuối năm 2019. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Ông Danh Nhật, người Khmer, ngụ xã Định An, huyện Gò Quao, cho biết: "Tôi và bà con trong vùng có đời sống ngày càng nâng cao là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, được hỗ trợ nhiều chính sách xã hội. Đồng bào Khmer chúng tôi luôn bảo nhau cùng chung sức với chính quyền tham gia thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương".
Kiên Giang hiện có 64/117 xã và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, trong đó có 40/70 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7/9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân trên 3%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 10.346 hộ, chiếm 17,6% năm 2015 xuống còn 4.855 hộ, chiếm 7,29% năm 2018.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn giúp phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái… Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã khai thác những lợi thế, tiềm năng để thực hiện thành công một số mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân ở các xã xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng như: Làm cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, phát triển chăn nuôi… Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn được kịp thời, đáp ứng nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.