Mưa lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân vùng lũ. Đặc biệt, khi năm học 2018-2019 bắt đầu, cơ sở vật chất của một số điểm trường đã bị mưa lũ làm hư hỏng, các em học sinh vùng cao thiếu đồ dùng học tập, giao thông bị chia cắt… Đây là những khó khăn mà thầy, trò ở đây đang gặp phải.
Phong Dụ Hạ là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái), đợt mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua cây cầu treo bắc qua suối Ngòi Hút đi từ trung tâm xã đến 5 thôn, bản đã bị cuốn trôi. Toàn xã có 9 thôn, bản với hơn 1.000 hộ dân thì có hơn 600 hộ dân của 5 thôn thường xuyên phải qua lại trên cây cầu này, trong đó trên 400 học sinh đang theo học tại các trường bên trung tâm xã.
Năm học mới sắp bắt đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các trường học tổ chức cuộc họp với phụ huynh học sinh bàn phương án phù hợp. Trước mắt, trong năm học này, để các em học sinh tựu trường và khai giảng đúng kế hoạch, các trường đã mượn nhà văn hóa thôn ở phía bên kia cầu rồi bố trí, phân công giáo viên sang tổ chức dạy và học, tránh tình trạng các bậc phụ huynh phải qua suối đưa đón con em.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Phong Dụ Hạ cho biết: Mượn tạm các nhà văn hóa thôn khiến hoạt động dạy và học còn gặp nhiều khó khăn vì ở đây thiếu cơ sở vật chất như điện, nước, nhà vệ sinh. Trước mắt nhà trường huy động phụ huynh đến dọn dẹp, làm tạm nhà vệ sinh để khắc phục tạm thời.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, nhiều hộ dân sống bên kia cầu vẫn mong muốn con em mình được sang bên trung tâm xã học, việc bố trí cho học sinh học tại các điểm lẻ ở các thôn, bản đi lại quá xa, phụ huynh không đưa đón được.
Còn trường tiểu học số 2 Hồng Ca, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên cũng chịu nhiều thiệt hại bởi bão số 3. Đất sạt lở vùi lấp làm hư hỏng phòng ăn, phòng ở, lớp học và bếp bán trú, một phần sách vở của nhà trường để hỗ trợ cho 95% học sinh thuộc diện hộ nghèo cũng bị ngấm nước, ẩm ướt, rách nát. Sau cơn bão số 3, các lực lượng ở địa phương cùng với thầy cô giáo các trường đã tập trung dọn vệ sinh, sửa sang các phòng học, kê lại bàn ghế, mua sắm một số thiết bị bếp ăn bị hư hỏng để chuẩn bị cho năm học mới.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca cho biết, trường được các nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho 423 học sinh dân tộc Mông đang theo học tại trường. Đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản được đảm bảo, 100% học sinh tiểu học đến lớp, chỉ còn gần 20 em học sinh trung học cơ sở chưa đến lớp, nhà trường tiếp tục đi vận động.
Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại tại điểm Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn. Trường có 4 phòng học bị sập đổ hoàn toàn, không thể khắc phục được, cùng với đó nhiều trang thiết bị học tập bị vùi lấp, cuốn trôi. Năm học mới này toàn bộ học sinh được đưa về trung tâm xã để học. Tuy nhiên tuyến đường đi từ các bản đến trung tâm xã dài 30 km, việc đưa đón các em gặp nhiều khó khăn. Do vậy, UBND huyện Văn Chấn vận động các hộ dân ở gần trường hiến đất để xây dựng phòng học, công trình phúc lợi với phương châm không để học sinh nào phải bỏ học do thiên tai.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm để học sinh bước vào năm học mới theo đúng kế hoạch, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã nỗ lực khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất tại các điểm trường ở vùng lũ. Ngành huy động cán bộ, giáo viên, nhân dân cùng lực lượng tại chỗ, tập trung sửa chữa các phòng học, vệ sinh trường lớp, tham gia khắc phục những tuyến đường giao thông bị sạt lở. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái vận động cán bộ, giáo viên quyên góp, ủng hộ học sinh vùng lũ; yêu cầu các trường chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh bán trú, đảm bảo việc học tập của các học sinh.