Mấy năm trở lại đây, các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La), liên tục được mở, đặc biệt là các lớp học dành cho phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên địa bàn. Những lớp học xóa mù chữ này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho phụ nữ tại các xã miền núi của tỉnh Sơn La.
Chị Lò Thị Thu, 29 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Nà Sặng, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, đang theo học lớp xóa mù chữ do Hội Phụ nữ xã tổ chức. Chị Thu cho biết, trước do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học sớm nên chị đã không biết chữ. Việc không biết chữ đã gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
“Trước đây mình chưa biết chữ ra đường gặp nhiều khó khăn lắm. Bây giờ biết đọc rồi, ra đường đã đọc được những tấm biển quảng cáo, bảng chỉ dẫn đường, đi chợ cũng thuận lợi hơn. Tôi cảm thấy rất vui” - chị Thu chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh với chị Thu, chị Vì Thị Sơn, người dân tộc Thái ở bản Mâm, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày chỉ biết trông em và đi làm cùng bố mẹ, không được học hành nên không biết chữ.
“Bây giờ được Nhà nước tạo điều kiện mở lớp xóa mù chữ cho chị em được đi học ai cũng phẩn khởi. Nay đã biết đọc, biết viết và tính những phép tính đơn giản. Không biết chữ khổ lắm, lúc ốm đau đi viện mà không biết ký tên mình thì khó lắm, nên mình quyết tâm xin đi học cái chữ này” - chị Sơn cho biết.
Chị Vì Thị Nga, người dân tộc Thái ở bản Nà Sặng, xã Chiềng Sơn, cho biết, nhà chị trồng sắn trồng ngô, mỗi lúc bán sắn bán ngô rất khó khăn do không biết chữ. “Bây giờ mình có thể đọc báo. Biết chữ sẽ giúp gia đình mình áp dụng những tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt” - chị Nga vui mừng chia sẻ.
Thầy Tòng Văn Nhẫn, giáo viên Trường tiểu học Chiềng Sơ, người phụ trách lớp học xóa mù chữ tại bản Sặng, cho biết, các học viên đều là người lớn tuổi, nhiều học viên nhà ở rất xa nhưng các chị em đều có quyết tâm học, trừ những hôm mưa gió, thời gian còn lại các học viên vẫn đi học đều.
“Để thuận lợi cho việc dạy và học, giáo viên tham gia lớp dạy xóa mù chữ này phải là người biết tiếng dân tộc như tiếng Thái và tiếng Mông, nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì lớp học đều là người lớn nên mình phải có phương pháp hướng dẫn, trao đổi truyền đạt làm sao để các học viên dễ hiểu” - thầy Nhẫn cho biết.
Chị Lò Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Sơ, cho biết, xã Chiềng Sơ có 26 Chi hội Phụ nữ, các cuộc khảo sát cho thấy, số hội viên mù chữ và tái mù chữ của xã còn rất cao.
Năm 2018 Hội Phụ nữ xã đã kiến nghị lên Hội Phụ nữ huyện, phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Sông Mã mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã Chiềng Sơ. Tháng 10/2018 xã đã tổ mở hai lớp với 91 học viên tham gia. “Có 91 chị em tham gia thì đến thời điểm hiện tại, sau hơn một tháng thì chưa có chị em nào bỏ học” - chị Thủy cho biết.
Theo chị Thủy, hiện trên địa bàn xã Chiềng Sơn vẫn còn nhiều chị em chưa biết chữ, tới đây Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục vận động và phối hợp với nhà trường mở thêm các lớp học xóa mù chữ, quyết tâm không để hội viên nào không biết chữ.
Ông Nguyễn Đình Ngưu - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết, công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện Sông Mã nhằm thực hiện và củng cố phổ cập giáo dục tiểu học, công tác này đã được huyện triển khai trong nhiều năm.
Trong những năm gần đây số lượng người tái mù không nhiều, tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ mù chữ cao hơn nam giới. Ông nói: “Hình thức tổ chức lớp học rất đa dạng, nếu lớp học mở vào thời điểm mùa vụ thì tập trung học vào buổi tối, những xã thuận lợi hơn, vào thời điểm không phải mùa vụ thì tổ chức học ban ngày”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Ngưu, hàng năm, sau mỗi đợt triển khai công tác xóa mù chữ trên địa bàn, Phòng Giáo dục huyện đều có báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, trên cơ sở số liệu cụ thể của từng xã để mở các lớp tại những xã trên địa bàn, có thể mỗi năm một xã hoặc một năm vài xã cùng tổ chức mở lớp.
Năm 2017, huyện Sông Mã đã tổ chức được 7 lớp học xóa mù chữ. Năm 2018, huyện cũng đã mở thêm 5 lớp học xóa mù chữ dành cho phụ nữ. Bình quân mỗi lớp từ 40 -50 người.