Những triệu phú, tỷ phú nông dân Khmer

Là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào ổn định cuộc sống và vươn lên phát triển bền vững. Nhiều tấm gương sáng trong cộng đồng bà con Khmer đã vươn lên làm giàu bằng chính sự cần cù và nội lực của mình.

Từ những triệu phú nông dân

Quanh năm chuyên canh với ruộng, rẫy, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn thiếu thốn, ông Tô Văn Nam, ngụ tại ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm (Châu Thành), đã thấu hiểu sự đói nghèo và lạc hậu của người dân quê mình. Để làm giàu trên mảnh đất này, ngoài cây lúa, cần phải phát triển sản xuất thêm mô hình sản xuất khác. Qua học hỏi và nghiên cứu, gia đình ông đã đi lên từ mô hình nuôi heo (lợn), nuôi cá. Hiện tại, với 14 công đất ruộng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm heo nái và heo thịt, vừa có thể bán giống, chủ động được nguồn giống, lại đảm bảo nguồn thu nhập từ heo thịt. Với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông Nam còn có nguồn thu nhập trên 46 triệu đồng từ việc nuôi cá lóc vèo. Trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình ông đạt gần 200 triệu đồng.

Anh Bal với Bằng khen được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng.


Gia đình ông Danh Ry ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp (huyện Châu Thành) cũng đã làm giàu nhờ sự cần cù và ham học hỏi của chính bản thân. Thông qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã về chuyển đổi ngành nghề, mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, cách chăm sóc lúa…, ông đã nhanh chóng áp dụng vào gia đình mình, mỗi năm từ 2 vụ lúa trên 6 công đất (6.000 m2), trừ chi phí thu lãi 20 triệu đồng. Còn lại 4 công rưỡi, ông trồng rau tần ô (cải cúc) theo hướng dẫn quy trình rau an toàn trong nhà lưới. Mỗi năm, gia đình ông trồng 4 vụ, sau khi trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng, cao hơn 3 - 4 lần trồng lúa. Đến nay, gia đình ông đã có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và chăm lo cho các con ăn học. Không những vậy, gia đình ông còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên trong xóm.

Đến tỷ phú nông dân

Nói đến mô hình nuôi gà công nghiệp của chị Lâm Thị Ngọc Tuyến tại thị trấn Châu Thành với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, ai cũng biết. Sự thành công này, theo chị Tuyến, là kết quả của sự giao lưu học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của bản thân, để không ngừng nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất. Nhờ đi tham quan các mô hình nuôi gà công nghiệp, năm 2007, chị đã mạnh dạn đầu tư vốn liếng để nuôi gà công nghiệp. Ban đầu, chị sử dụng 1,8 ha đất để xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ trứng, gà thịt với số lượng 15.000 con. Qua 4 năm phát triển, đến nay, trang trại của chị đã tăng lên 120.000 con.

Chị Tuyến cho biết: Để tăng thu nhập, chị tận dụng thêm 3.000 m2 mặt hồ nuôi cá, cho thu nhập gần 30 triệu đồng/năm, ngoài ra, bán phân gà cũng thu về gần 150 triệu đồng. Số tiền từ 2 nguồn trên đủ để chị thuê 20 nhân công lao động và trả tiền điện. Năm 2010, chị đã mở rộng thêm 7 ha để xây dựng chuồng gà hậu bị. Từ năm 2007 đến nay, gia đình chị luôn được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Cũng ở Châu Thành, khi nhắc đến anh Thạch Văn Bal, ai cũng biết vì sự thân thiện và nỗ lực thoát nghèo phi thường ở anh. Năm 1989, khi lập gia đình, gia sản của vợ chồng anh chỉ là miếng đất đi thuê. Cái nghèo đã hiện diện trước mặt anh. Không đầu hàng số phận, anh bắt đầu cuộc thoát nghèo của mình bằng cách đơn giản nhất: Lấy ngắn nuôi dài. Anh trồng bắp, nuôi vịt… tích lũy dần vốn liếng. Sau 5 năm, nỗ lực đó đã được đền đáp khi anh mua được 7 công đất (7.000 m2). Anh tham gia nhiều mô hình tập huấn của Hội Nông dân xã. Nhận thấy mô hình nuôi bò phát huy nhiều hiệu quả, năm 1995, anh mua 4 con bò cái và phát triển lên đến 70 con. Bên cạnh đó, anh còn nuôi thêm 30 con dê. Năm 2000, anh “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh, mở một cửa hàng kinh doanh ẩm thực, nhằm phục vụ bà con chòm xóm, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Đến nay, những nỗ lực của anh và gia đình đã được đền đáp. Anh có 50 công ruộng (mỗi năm làm 3 vụ), 1 nhà hàng lớn. Nỗ lực vươn lên không ngừng, anh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2001-2005.

Ngoài những gương điển hình nông dân Khmer sản xuất, kinh doanh giỏi ở Châu Thành (Sóc Trăng), những địa phương khác như Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng, Trần Đề... cũng còn rất nhiều tấm gương sáng về nỗ lực thoát nghèo vươn lên làm giàu của đồng bào Khmer.

Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN