Những thành tựu y học nổi bật năm 2010

Năm 2010 là năm được các chuyên gia đánh giá có nhiều thành tựu quan trọng về lĩnh vực y tế. Dưới đây là 10 thành tựu y học nổi bật nhất trong năm 2010 vừa được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn:

1. Thuốc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Các nhà khoa học Mỹ công bố nghiên cứu cho thấy một loại thuốc đang được dùng để điều trị cho những bệnh nhân có HIV có thể có tác dụng giúp những người đàn ông đồng tính giảm nguy cơ nhiễm loại virus này.

Antiretroviral là thuốc được dùng để kéo dài cuộc sống của bệnh nhân có HIV. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy, loại thuốc này có thể trở thành vũ khí hữu hiệu chống virus HIV lây truyền cho những người khỏe mạnh.

Một cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học Mỹ liên quan tới gần 2.500 nam giới đồng tính (nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao), cho thấy dùng thuốc Antiretroviral đã giúp giảm tới 44% nguy cơ lây nhiễm HIV so với nhóm dùng giả dược. Thậm chí, tỷ lệ này còn có thể tăng lên tới 73% ở nhóm thường xuyên dùng thuốc.


Phát hiện sớm bệnh tim nhờ xét nghiệm máu-Ảnh internet


2. Phát hiện sớm bệnh tim nhờ xét nghiệm máu

Các nhà khoa học đã xác định được 23 gen tượng trưng cho protein trong máu, qua đó giúp phát hiện chính xác tới 83% tình trạng bị nghẽn mạch máu, triệu chứng điển hình của bệnh tim mạch. Khi dùng biện pháp xét nghiệm máu để tìm hiểu liệu bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim cao hay thấp, các chuyên gia nhận thấy liệu pháp mới này tăng khả năng phát hiện bệnh lên 16% so với các phương pháp truyền thống.

Nhờ giúp phát hiện bệnh tim ngay từ khi cơ thể hoàn toàn chưa có biểu hiện gì, liệu pháp xét nghiệm máu có thể giúp cứu sống được hàng ngàn người mỗi năm.

3. Dự đoán tỷ lệ thành công thụ tinh ống nghiệm

Các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã tìm ra cách dự đoán chính xác hơn tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Dùng máy quay theo dõi sự phát triển của trứng đã thụ tinh có thể giúp cung cấp thông tin cụ thể những phôi có cơ hội sống tốt nhất, sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào cơ thể người mẹ.

Đội ngũ chuyên gia - với sự dẫn đầu của bác sĩ Mylene Yao của Đại học Stanford - đã kết hợp hàng chục yếu tố, trong đó có tuổi phụ nữ, phản ứng hormone của người nữ, điều kiện của dạ con… để nâng sự chính xác của kết quả dự đoán lên mức cao nhất. Họ sử dụng dữ liệu của hơn 5.000 ca IVF được thực hiện tại Bệnh viện Stanford từ năm 2003 - 2008 và so sánh với tỷ lệ thành công của từng vụ.

Phương pháp mới sử dụng công nghệ hình ảnh để quan sát và phân tích sự phát triển của phôi trong những ngày đầu tiên, có thể giúp lựa chọn được phôi tốt nhất từ giai đoạn sớm hơn, qua đó giúp tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến IVF để có con.

4. Buồng trứng nhân tạo

Các nhà khoa học thuộc Đại học Brown (Mỹ) cho biết đã thành công trong việc tạo ra buồng trứng nhân tạo, giúp nuôi dưỡng trứng bên ngoài cơ thể. Phát hiện này có thể giúp hàng ngàn phụ nữ bị tổn thương ở buồng trứng hoặc vô sinh thực hiện được thiên chức làm mẹ của mình.

Các bác sỹ Mỹ đã thành công trong việc nuôi cấy buồng trứng nhân tạo-Ảnh internet


Buồng trứng nhân tạo được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng tế bào trứng từ những phụ nữ bình thường đang trong độ tuổi sinh đẻ. Thật ngạc nhiên, sau khi trứng được đưa vào nuôi dưỡng, các nhà khoa học phát hiện tế bào trứng trong buồng trứng phát triển không khác gì những phụ nữ mang thai bình thường. Buồng trứng nhân tạo sau đó có nhiệm vụ giúp đỡ, nuôi dưỡng những quả trứng phát triển đến khi hoàn toàn trưởng thành để cấy vào tử cung của người mẹ và chuẩn bị thụ tinh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, những phụ nữ sắp trải qua các đợt hóa trị liệu hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư… cũng không phải quá lo lắng khi buồng trứng nhân tạo giúp tăng khả năng có con của họ. Buồng trứng nhân tạo này còn có thể được sử dụng để giúp khám phá lý do tại sao một số phụ nữ khó thụ thai.

5. Tế bào nhân tạo

Các nhà khoa học Mỹ vừa tuyên bố phát triển thành công tế bào sống nhân tạo đầu tiên và đây là bước đi quan trọng tiến tới việc tạo ra sự sống nhân tạo.

Tiến sĩ Craig Venter và nhóm của ông tại Học viện J. Craig Venter (JCVI), một tổ chức nghiên cứu gen phi lợi nhuận tại Mỹ, đã thành công khi tạo được tế bào sống nhân tạo hoàn chỉnh từ các hoá chất trong phòng thí nghiệm.

Nhóm nghiên cứu đã dùng một số hóa chất để tổng hợp nên các đoạn ADN, sau đó gắn một đoạn ADN mới vào tế bào và từ đây có thể phân chia liên tục.

Các tế bào sống nhân tạo có thể được ứng dụng để tạo ra những loại vắc-xin mới hiệu quả hơn đối với bệnh nhân cúm hay có HIV. Những loại vi rút gây ra hai bệnh này có tốc độ biến đổi rất nhanh, vì thế những loại vắc-xin hiện nay không thể theo kịp sự thay đổi của chúng. Các nhà khoa học đã tạo ra các chuỗi ADN từ phản ứng của 4 chất hóa học khác nhau. Sau đó, họ lắp ghép chúng để tạo ra một loại men giống như men bia hay men sữa để cấy vào tế bào chất của một loài vi khuẩn đơn bào khác. Hy vọng, các tế bào sống nhân tạo có thể được ứng dụng để tạo ra các nguyên liệu mới hay sản xuất vắc-xin.

Công trình khoa học của tiến sĩ Venter mở ra cánh cửa giúp loài người có thể tạo ra sự sống nhân tạo vốn chưa từng có trước đây.

6. Xét nghiệm máu phát hiện bệnh Alzheimer

Alzheimer là một dạng bệnh mất trí nhớ, gây tử vong ở người cao tuổi đứng hàng thứ 4 hiện nay. Các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Công nghệ Texas ngày 13-9-2010 cho biết một xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer - một phát hiện có thể giúp nhiều người có cơ hội sớm phát hiện căn bệnh này.

Tiến sỹ Sid O'Bryant và các đồng nghiệp đã tiến hành các xét nghiệm máu ở một số bệnh nhân và kiểm tra nồng độ của hơn 100 loại protein trong máu, và kết hợp những kết quả này với các thông tin về bệnh nhân, bao gồm cả việc liệu họ có mang một loại gen có nguy cơ cao với bệnh Alzheimer được gọi là APOE4 hay không. Sau đó, kết quả phân tích trên máy tính sẽ cho ra một bảng điểm nguy cơ. Các nhà khoa học tiếp tục kiểm tra điểm nguy cơ này ở những người bị mắc bệnh Alzheimer hoặc không.

Tỷ lệ thành công trong việc phát hiện những người mắc bệnh Alzheimer là 94%, trong khi mức độ chính xác trong việc phân loại những người không bị mắc bệnh này là 84%.

7. FDA chuẩn thuận Botox chữa đau nửa đầu

Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và giới chức Liên bang Mỹ khẳng định Botox, do hãng dược Allergan sản xuất, được tiêm vào cơ thể để giảm nếp nhăn, trị được bệnh đau nửa đầu.


FDA phê chuẩn thuốc mới này dựa trên 2 nghiên cứu của Allergan với 1.300 bệnh nhân bị đau nửa đầu từ 15 ngày trở lên mỗi tháng, được tiêm Botox hay giả dược. Những bệnh nhân được tiêm Botox đã giảm đau đầu nhiều gấp đôi về thời gian so với bệnh nhân dùng giả dược.

Botox ra đời năm 1989 và là một trong những thuốc hàng đầu của Allergan. Thuốc này nổi tiếng bởi khả năng xóa nếp nhăn và sự lão hóa ở trán và cũng được chứng nhận là điều trị chứng co thắt cơ cổ, rối loạn cơ mắt và mồ hôi nách quá nhiều. Đầu năm 2010 vừa rồi, thuốc này cũng được khẳng định là có thể điều trị co thắt ở khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Botox hoạt động theo cơ chế khóa sự liên lạc giữa các dây thần kinh và các múi cơ, tạm thời làm tê liệt cơ.

8. Hô hấp nhân tạo mới: ấn ngực mà không cần thổi ngạt

Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội tim mạch Mỹ, phương pháp hô hấp nhân tạo mới (cardiopulmonary resuscitation - CPR) chỉ ấn mạnh vào ngực (mà không cần thổi ngạt bằng miệng) cũng giúp tăng khả năng sống sót ở các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim với tỷ lệ tương tự như phương pháp hô hấp nhân tạo thông thường (cả ấn ngực lẫn thổi ngạt).

Điểm đặc biệt ở phương pháp chỉ ấn ngực này là ai cũng có thể thực hiện được và tiết kiệm nhiều thời gian, qua đó tăng khả năng sống sót của nạn nhân. Các phương pháp hô hấp nhân tạo truyền thống thường mất nhiều thời gian do nhân viên y tế phải ngừng ấn ngực lúc thổi ngạt khi cấp cứu tại chỗ và không có dụng cụ y tế.

9. FDA hạn chế dùng thuốc trị tiểu đường Avandia

Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã ra thông cáo hạn chế sử dụng thuốc trị tiểu đường Avandia do lo ngại thuốc này làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ khi bệnh nhân dùng thuốc trong thời gian dài.

Trong một thông cáo được đưa ra vào tháng 9-2010, FDA cho biết thuốc Avandia (do công ty dược GlaxoSmithKline của Anh sản xuất) chỉ được kê cho bệnh nhân tiểu đường típ 2 nếu họ không thể kiểm soát được lượng glucose trong máu sau khi đã thử dùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.

Ngoài ra, FDA cũng nhấn mạnh rằng các bệnh nhân chỉ buộc phải dùng Avandia khi đã biết về những nguy cơ tác hại do thuốc này mang lại.

10. Nuôi cấy tế bào gốc an toàn hơn

Nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện nhi đồng Boston (Mỹ) đã tìm ra phương pháp nuôi cấy tế bào gốc đa năng (iPS) mới an toàn và nhanh chóng hơn. Đây là bước tiến lớn trong việc ứng dụng tế bào iPS để chữa bệnh. Và phương pháp tạo iPS mới giúp tăng tính hiệu quả gấp khoảng 100 lần so với phương pháp truyền thống.

Hiện nay, để tạo ra các tế bào iPS từ tế bào da, các nhà khoa học cần phải cho những tế bào da này tiếp xúc với cả virus và gen gây bệnh ung thư để lập trình lại chúng ở tình trạng giống như phôi. Mới đây, các chuyên gia thuộc Bệnh viện nhi đồng Boston đã sử dụng thành công một hình thức gen bổ sung khác, được gọi là RNA, giúp loại bỏ các tác nhân gây nguy hiểm từ các virus cũng như gen gây bệnh ung thư./.


Theo TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN