Thơ Nguyễn Trung Thu.
Nhà xuất bản Văn học.
Cầm trên tay di cảo “Nhật ký Trường Sơn” ghi những bài thơ viết năm 1972, nhiều đoạn gạch gạch, xóa xóa trên những trang giấy lộn xộn đã ngả màu nâu nhạt trong cuốn sổ tay của Nguyễn Trung Thu, tôi thực sự xúc động- xúc động vì được biết kỹ hơn một đoạn đời gian khổ mà hào hùng, một tâm hồn rộng mở, một tình cảm đôn hậu yêu thương của bạn mình.
Rời bục giảng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Trung Thu nhập ngũ ngày 6/9/1971. Sau một thời gian huấn luyện, anh trực tiếp cầm súng lên đường vào chiến trường miền Nam, thuộc Trung đoàn Trường Sơn (Đoàn II Thông tin quân Giải phóng) chiến đấu ở Trường Sơn. Đây là bước ngoặt đột biến trong cuộc đời Nguyễn Trung Thu, từ thầy giáo trở thành một chiến sĩ Quân đội nhân dân chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Tây Nam Huế. Ở chiến trường với biết bao trận chiến ác liệt, tình đồng đội sống chết có nhau và nỗi nhớ người thân da diết đã khơi nguồn, đã tạo động lực thôi thúc anh làm thơ: Thơ viết về chiến trường, về tình người, tình đồng đội, về thương nhớ vợ con… Có thể nói được rằng, cuộc sống đã đưa anh đến chiến trường và cuộc sống dẫn anh đi trên con đường thơ…
Giữa bom đạn ầm ào, thơ anh không ồn ã. Hình ảnh Trường Sơn, hình ảnh anh lính thông tin đậm nét trong “Nhật ký Trường Sơn”. Anh không miêu tả, không kể lể cảnh chiến trường mà biểu hiện bằng cảm xúc chân thành từ niềm tin và cái nhìn lạc quan về cuộc chiến: Rừng sâu ập phủ màn đêm/ Đạn bom xối dội, sấm rền tầng không/ Trĩu đôi vai cuộn dây đồng/ Lưng thì rạp xuống mà lòng bay lên (Rừng sâu).
Trong “Nhật ký Trường Sơn”, anh dành tình cảm kính yêu đặc biệt đối với Bác Hồ. Hình ảnh Bác hiện ra trong nhiều bài thơ. Và, trong tập thơ này, có ba bài Lời Bác, Tượng Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác. Bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác là kết tinh viên mãn của giây phút thần hứng, thăng hoa trên cánh võng ven con suối của một đêm trăng trong cuộc chiến ác liệt giữa rừng bom đạn Trường Sơn: “Đêm Trường Sơn/Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây/Cảnh khuya như vẽ/ Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/ Bác như đã đến nơi này…”.
Bài thơ viết xong, liền được các anh bộ đội Quân Giải phóng miền Nam truyền tay nhau đọc, rồi được chuyển ra Bắc đăng trên Báo Nhân dân và ngay lập tức được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc càng làm cho sức sống bài thơ lan tỏa.
Sau này về với đời công chức, đời thường, Nguyễn Trung Thu đã cho xuất bản 6 tập thơ: Đêm Trường Sơn nhớ Bác ( NXB Quân đội nhân dân ), Em hoặc không ai cả (NXB Văn học), Kỷ niệm về lời ru buồn (NXB Hội nhà văn), Tím biển, Biếc trời (NXB Văn học) và Thao thiết tiếng khuya (NXB Hội nhà văn) có nhiều bài thơ hay nhưng “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” vẫn là mốc son trên chặng đường thơ của Nguyễn Trung Thu…
Nhà giáo – Anh chiến sĩ –Nhà thơ Nguyễn Trung Thu đã đi vào cõi xa xăm, chị Hòa người bạn đời của anh vẫn lưu giữ những kỷ vật và di cảo của anh để lại, trong đó có “Nhật ký Trường Sơn”, nay muốn “Nhật ký Trường Sơn” hiện diện trong đời sống chung. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Lê Xuân Đức