Những kết quả của Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 của tỉnh Lào Cai đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, động viên các thành viên trong gia đình chăm lo phát triển kinh tế, đồng thời giúp giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp và bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Rất nhiều tổ ấm trên vùng cao Lào Cai hôm nay thực sự là những điển hình của mô hình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".
"Tôi mồ côi bố năm 3 tuổi. Mẹ tôi ở vậy, lam lũ nuôi tôi lớn khôn. Vì vậy từ nhỏ tôi đã thấm thía sự vô giá của tổ ấm gia đình", đó là những lời tự sự chân thành của chị Hoàng Thị Thao, dân tộc Tày (thôn 3, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn, Lào Cai). Gia đình chị là một trong số 20 gia đình tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Lào Cai năm 2011. Chị và chồng là anh Ma Văn Ngoan, luôn hòa thuận, chia sẻ công việc và bảo ban nhau trong việc nuôi dạy con và phát triển kinh tế. Ngoài trồng lúa, gia đình chị còn kinh doanh buôn bán nhỏ, nấu rượu, nuôi lợn, trồng rừng... Thu nhập bình quân đạt từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị Thao còn tích cực vận động chị em trong thôn bản thực hiện nếp sống nông thôn mới, giúp đỡ các hộ nghèo khác trong thôn phát triển kinh tế. Hai cháu nhà chị là Ma Thị Hằng và Ma Văn Cường đều ngoan ngoãn và là học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn và Anh văn. Những người xung quanh luôn coi gia đình anh chị là hình mẫu để học tập. Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị chia sẻ: "Khi có sóng gió, mỗi người chỉ cần bớt ích kỷ một chút, bao dung độ lượng thêm một chút là gia đình có thể tránh được họa tan vỡ".
Cũng luôn tâm niệm như thế về mái ấm gia đình và trách nhiệm với những đứa trẻ, vợ chồng anh chị Triệu Thị Mẩy và Triệu Văn Lò, dân tộc Dao, thôn Xuân Tư, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng đã nuôi được 7 người con học đại học và trung học chuyên nghiệp và đã có việc làm ổn định. Để có điều kiện nuôi các con khôn lớn ăn học thành người có ích cho xã hội như hôm nay, anh chị đã mày mò tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế. Mô hình VAC của gia đình anh chị cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Có lẽ ít ai thấu hiểu được những nỗi nhọc nhằn hy sinh vất vả của anh chị hơn chính các con mình. Bởi thế 7 người con ngoài việc học đã động viên nhau chia sẻ công việc cùng bố mẹ và cố gắng ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình anh chị luôn sống hoà thuận với bà con hàng xóm, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ người khó khăn. Hàng năm gia đình đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa và gia đình hiếu học.
Để có một mái ấm gia đình đúng nghĩa như vậy, vai trò của người phụ nữ trong gia đình là không thể thay thế. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) đã làm tròn vai trò của mình cả trong gia đình và ngoài xã hội, không chỉ là một người năng nổ nhiệt huyết với công việc chung, chị còn là một "nội tướng" biết giữ lửa cho mái ấm riêng của mình. Gia đình chị có hai cháu gái ngoan và học giỏi là Dương Thu Hường hiện đang theo học Đại học Công nghiệp Hà Nội và Dương Minh Phượng nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải Nhì cấp quốc gia môn địa lý năm học 2010 - 2011. Chị và chồng là anh Dương Văn Hiệp thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn về vật chất và tinh thần. Hai trong số các gia đình đó hiện đã thoát nghèo và luôn cảm kích anh chị đã động viên mình trong lúc khốn khó nhất. "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, cứ khi nào cần giúp đỡ, người mình nghĩ đến đầu tiên bao giờ cũng là ông xã. Mình biết có chồng giúp sức thì việc dù khó cũng sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều", chị Nguyệt chia sẻ.
Những gia đình trên cùng với nhiều mái ấm nữa trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa, từ người Kinh đến người Dao, Mông, Phù Lá... đang là những hạt nhân tích cực đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của xã hội.
Hương Thu