Nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Cà Mau

Tại xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau) , nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, có một đội nhạc truyền thống rất tinh nhuệ. Đó là đội nhạc ngũ âm thanh thiếu niên người dân tộc Khmer Salaten ấp 6.


Được thành lập cách đây khoảng 2 năm, hầu hết các thành viên trong đội điều là con em người dân tộc Khmer ở địa phương đã được đội thông tin văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau đào tạo một cách bài bản. Trước khi thành lập đội nhạc ngũ âm này, ấp xã Khánh Hòa cũng có một đội văn nghệ của thanh niên người dân tộc Khmer nhưng chỉ giao lưu văn nghệ bằng nhạc cụ hiện đại chứ không chuyên nghiệp về truyền thống. “Người dân tộc Khmer chúng tôi rất mừng khi được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí mở lớp giảng dạy và thành lập đội nhạc ngũ âm hoành tráng như thế này”, anh Danh Văn Rinh - Trưởng công an ấp 6 nói trong niềm phấn khởi.

 

Tranh thủ luyện tập trong thời gian nhàn rỗi để phục vụ ngày càng tốt hơn.


Hầu hết đồng bào Khmer ở vùng quê xã Khánh Hòa điều rất rất vui mừng khi quê hương mình có được đội nhạc truyền thống mang đậm tính Khmer. Với vẻ mặt tràn đầy niềm vui, bà Sơn Thị Rậm 63 tuổi, ở ấp 5 nói: “Mừng lắm chú ạ, nhà tôi ở cách đây khoảng 3 cây số (3km). Trước kia, vào những ngày lễ, khi chưa có đội nhạc truyền thống này, tôi chỉ đến cúng Phật, dâng cơm cho các sư rồi về chứ ít có ngồi xem văn nghệ vì ca hát nhạc hiện đại ở trên đài phát thanh và truyền hình thiếu gì, thậm chí còn hay hơn ở đây. Nhưng kể từ khi có nhạc ngũ âm đến nay, tôi thường ở lại để xem văn nghệ, ôn lại những làn điệu truyền thống của dân tộc mình mà có khi tôi tưởng chừng bị mai một”.

 

Nhạc cụ cung đình cổ


Theo anh Thạch Diên, Đội trưởng nhạc công của Đội văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau, nhạc ngũ âm là loại hình nhạc cụ cung đình cổ điển của người dân tộc Khmer. Chẳng ai biết loại hình nhạc cụ này có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Thời xa xưa, nhạc ngũ âm chủ yếu phục vụ các vua, quan, trải qua thời gian, nhạc ngũ âm được chế tác hoàn chỉnh với nhiều phương diện và hiện nay nhạc ngũ âm phục vụ rộng rãi trong các ngày lễ lớn của đồng bào dân tộc Khmer.

 

Các “nhạc công nhí” của tỉnh Kiên Giang trong giờ biểu diễn.

 


Về hình thức, nhạc ngũ âm được dàn dựng khá tinh xảo, mỗi nhạc cụ được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Bộ nhạc này có 6 nhạc cụ chính, gồm: Đàn thuyền bằng tre bass, đàn thuyền bằng tre trép, cồng bằng đồng bass, cồng bằng đồng trép, hai trống lớn và một trống sampho. Ngoài sự hòa âm ở những nhạc cụ chính trong dàn, nhạc ngũ âm còn phối hợp hài hòa với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn hai dây… hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thể hiện trong các điệu múa khác.


Cũng theo anh Thạch Diên, để các em ở ấp 6 xã Khánh Hòa biết sử dụng cơ bản về loại hình nhạc cụ này các anh đã mất thời gian khoảng 3 tháng để đào tạo, còn nếu muốn sử dụng thành thạo hơn đòi hỏi các em phải có quá trình dài tập luyện, hiểu được cách thức hòa âm, thật sự yêu nghề và phải có sáng tạo mới thể hiện được một cách chuyên nghiệp”.


Là một trong những thành viên của đội nhạc ngũ âm thanh thiếu niên người dân tộc Khmer Salaten ấp 6, em Dăn Văn Lượm rất phấn khởi khi được phục vụ bà con trong những ngày lễ Tết. “Em vốn đam mê ca hát, nên khi được các chú, các bác trong Ban Quản trị Salaten vận động học nhạc ngũ âm là em đăng ký tham gia liền. Vui lắm, khi được cùng các bạn hòa nhạc phục vụ múa hát, lúc đó em cảm thấy dậy lên một sức sống mãnh liệt”, em Dăn Văn Lượm nói như vậy. Hiện nay các em trong đội đều rất hăng hái phục vụ và muốn tìm nơi để học thêm nâng cao sự hiểu biết về nhạc ngũ âm nhưng gia đình khó khăn. Vả lại không có nơi giảng dạy nên các em chưa có điều kiện để học. Đây cũng là khó khăn chung trong bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở ĐBSCL.


Phục hồi vốn âm nhạc quý


Xác định tầm quan trọng của bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, các tỉnh ĐBSCL đã đề ra nhiều giải pháp và việc làm thiết thực. Trong đó đề cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; một số tỉnh có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là người dân tộc Khmer; đấu tranh bài trừ các hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan…

 

Một thanh niên người dân tộc Khmer say sưa với bộ cồng bằng đồng bass, một nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm.


Thời gian gần đây các tỉnh ĐBSCL còn mở khóa đào tạo múa, nhạc ngắn hạn cho các nhạc công, diễn viên thuộc đội Thông tin - Văn nghệ và các đoàn nghệ thuật Khmer, một số tỉnh còn hỗ trợ tiền để trùng tu, phục dựng các loại hình văn hóa mà tưởng chừng đã bị bỏ quên; hỗ trợ kinh phí để mua nhạc cụ mới, đóng ghe ngo, xây dựng, trùng tu chùa và Salaten… Từ đó truyền thống văn hóa độc đáo của người Khmer không chỉ đã được phục hồi mà ngày càng phát triển, trong đó đội nhạc ngũ âm của thanh thiếu niên người dân tộc Khmer ở ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau) là một điển hình. Sự quan tâm trên tuy hết sức thiết thực nhưng vẫn mang tính trước mắt, còn về lâu dài rất cần nâng cao trình độ nhận thức cho bà con, nhất là các thế hệ trẻ người dân tộc Khmer, để giữ gìn bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình.


Mùa xuân nữa lại về, các em đội nhạc ngũ âm thanh thiếu niên người dân tộc Khmer ở ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh lại già đi một tuổi. Mong rằng lãnh đạo các cấp sớm có chính sách hỗ trợ mở lớp học chuyên nghiệp về truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, cần có chính sách để thế hệ trẻ người dân tộc Khmer được tham gia học tập, yên tâm phục vụ lâu dài. Các bạn trẻ người dân tộc Khmer cũng cần cố gắng nâng cao trình độ nhận thức lẫn tay nghề, hăng hái tham gia phục vụ ở phum sóc, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, góp phần làm cho truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc Khmer được sống mãi với thời gian.


Bài và ảnh: Xuân Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN