Nhà mạng bối rối về dịch vụ OTT

Trong 2 năm trở lại đây, dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí trên mạng Internet (OTT - Over The Top) như: Viber, WhatsApp và Zalo... do các doanh nghiệp (DN) nội dung Việt Nam và nước ngoài cung cấp đã khiến các nhà mạng phải đau đầu.


Thâm hụt hàng nghìn tỷ đồng doanh thu


Sức hút của những ứng dụng OTT - cho phép khách hàng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet, trong đó có phần mềm Viber hay Zalo đã khiến hàng triệu thuê bao “mê mẩn” bởi tính tiện ích của nó, đặc biệt là được dùng hoàn toàn miễn phí.


Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, thuê bao đang sử dụng mạng Viettel, bạn Nam Dương ở phố Bạch Mai, Hà Nội nói: “Em đã sử dụng phần mềm Viber miễn phí được một năm rồi để gọi, gửi tin nhắn cũng như hình ảnh, miễn là giữa 2 thuê bao đang kết nối phải mở mạng 3G hoặc không dây - wifi”. Theo bạn Hoàng, nếu trước kia với tần suất gọi và gửi tin nhắn như hiện nay (chưa tải phần mềm Viber) thì chi phí cước mỗi tháng phải trả là 200.000 đồng thì nay trung bình chỉ mất 100.000 đồng.

Sự phát triển dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí đã đặt ra mối lo ngại về an ninh cho người sử dụng.CTV


Theo ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng Ban Viễn thông Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), mỗi năm dịch vụ nhắn tin miễn phí đã làm “thiệt hại” khoảng 9 - 10% doanh thu của các mạng di động. Còn Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel Telecom) nhận định, do xu hướng các ứng dụng OTT tăng nhanh nên Viettel bị giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm. Phía mạng di động MobiFone thống kê, nhà mạng Việt đã “thất thu” xấp xỉ 1.000 tỷ đồng mỗi năm do ảnh hưởng từ OTT.


Đại diện Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng - VNPT nói: “Sự phát triển của dịch vụ OTT là bài toán rất đau đầu của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà mạng. Đến một lúc nào đó, các dịch vụ thoại truyền thống sẽ trở thành một tiện ích đơn giản, gần như là miễn phí”.


Theo VNPT, mục tiêu của dịch vụ OTT không phải là giá trị thu lại từ dịch vụ thoại và nhắn tin mà đích ngắm xa hơn là quảng cáo trên thiết bị di động, các ứng dụng đa phương tiện khác. Tuy nhiên, dịch vụ OTT đang cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng. Có thời điểm, doanh thu của các nhà mạng lớn như: MobiFone, VinaPhone và Viettel sụt giảm tới 30% bởi các dịch vụ OTT như Viber, WhatsApps...


Không ít ý kiến lo ngại, OTT là một sự thay đổi về công nghệ và làm ảnh hưởng đến doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống. Tuy nhiên, nhà mạng ứng xử thế nào với dịch vụ này là một bài toán khó vì rõ ràng là hàng chục triệu người dùng Việt Nam vẫn muốn tiếp cận những tiện ích của dịch vụ OTT.


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, OTT là xu hướng và nó bắt buộc các mạng di động phải chuyển đổi từ kinh doanh, khai thác dịch vụ viễn thông truyền thống sang mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng mới. Phát biểu với báo chí, ông Hùng cho rằng: Dịch vụ OTTqua mạng WiFi, 3G (như Viber, Zalo, Line...) đang là nguy cơ đối với các doanh nghiệp viễn thông. Nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng OTT thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm đến 40 - 50%. Còn ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho hay: Nhà mạng không thể kiểm soát được tất cả những gì doanh nghiệp OTT đang cung cấp và điều này đặt ra mối lo ngại về vấn đề an ninh cho người dùng khi bị kẻ xấu lợi dụng... Phía VinaPhone và MobiFone cũng đã lên tiếng đồng tình quan điểm này.


Tăng cước dịch vụ 3G và siết chặt quản lý


Do sự tăng trưởng các dịch vụ OTT làm giảm mạnh nguồn thu của các nhà mạng nên các nhà mạng đang “rập rình” tăng cước 3G. Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel cho biết, cước dữ liệu 3G thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các nhà mạng ở Việt Nam, trong khi nhu cầu về băng thông tăng lên rất nhanh. Vì vậy, chúng ta phải cân đối lại mức giá cước dữ liệu.


Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, giá cước 3G tại Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới, trong khi chất lượng vẫn đáp ứng được gần hết nhu cầu của người dân. Trong thời gian đầu triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dùng và kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp phải bấm bụng bán dưới giá thành. Trong khi đó, Bộ TT - TT cũng chưa quản lý giá cước để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đến thời điểm này, khi số lượng thuê bao và tỷ lệ sử dụng 3G tăng mạnh thì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại giá cước tiệm cận với giá thành, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng OTT đang nở rộ”.


Đại diện Bộ TT&TT cho rằng: Việc duy trì mức cước 3G dưới giá thành như hiện nay kèm các dịch vụ OTT miễn phí thoại và SMS thì trước mắt khách hàng sẽ được lợi. Nhưng xét về lâu dài khi nhà mạng không còn đủ sức tái đầu tư mạng lưới thì khách hàng là người chịu thiệt thòi. Vì vậy, tăng cước 3G để nhà mạng có đủ sức đầu tư mạng lưới và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng dịch vụ chất lượng tốt sẽ đem lại sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.


Đề cập tới vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các nhà mạng và doanh nghiệp OTT nên ngồi với nhau để bàn bạc và hợp tác nhằm đem lại sự tiện ích nhất cho người tiêu dùng.


Trước sự bùng nổ của OTT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo Bộ TT&TT cần sớm xây dựng, ban hành chính sách quản lý đối với các dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí trên mạng Internet (OTT - Over The Top), như Viber, WhatsApp và Zalo... Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định trong kinh doanh dịch vụ quốc tế chiều về, có biện pháp thích hợp hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các DN.


Minh Phương  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN