Người Thái Tây Bắc đặt tên cho trẻ sơ sinh

Khi đứa con chào đời, đó là kết tinh của tình yêu và là hạnh phúc của mỗi đôi vợ chồng, gia đình và cộng đồng, đồng thời là niềm hy vọng lớn lao, mong cho con sẽ chăm ngoan, tài giỏi và có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.

 

Người Thái có câu ca: “Lụk nháư khửn tiếng po táng po/Nó nháư khửn tiếng tắm táng lắm” - có nghĩa là: “Con lớn bằng bố thay bố/ Măng lớn thành cây thay cây”. Bởi vậy các bậc ông bà, cha mẹ đều cân nhắc rồi đặt cho con cháu một cái tên phù hợp với ước nguyện và hoàn cảnh.


Lễ đặt tên được tổ chức trong lễ: “Nhá phay” - tức lễ thôi sưởi lửa cho sản phụ, đồng thời là lễ cùng vía đầu tiên trong chu trình đời người của người Thái Đen Tây Bắc. Người Thái Tây Bắc có tục các sản phụ đều sưởi lửa trong thời gian ở cữ. Lửa trong quan niệm của người Thái giúp các sản phụ và trẻ sơ sinh thêm mạnh khỏe, tránh được sự quấy nhiễu của ma quỷ, đồng thời lửa còn giúp các sản phụ tránh được một số bệnh sau khi sinh nở.

 

Ông nội đan “tạy ho” cho cháu.

Khi gia đình có người mới sinh, chủ nhà treo “ta leo” để tránh ma tà, đồng thời là thông điệp cho tất cả mọi người nhà mới có trẻ mới sinh. “Ta leo” gồm một tấm phên đan hình mắt cáo, trên đó gài lá cúc tần - “co nát” để trừ ma tà và một mẩu củi cháy dở. Những ngày này không cấm người ngoài họ tộc lên nhà, nhưng những người dữ vía thường giữ ý không lên. Còn lại khách trước khi lên đều ý tứ nói: “Nha chắp nha pét nớ, e nọi ơi !” - có nghĩa là: “Đừng giống như chú, như bác nhé, bé yêu ơi !” Người nhà cháu bé mới sinh lịch lãm trả lời: “Nha chắp nha pét đi đò” - nghĩa là: “Được giống như chú như bác càng tốt, càng hay!”.

Nếu sinh con trai sản phụ sưởi lửa bẩy ngày, sinh con gái sưởi lửa chín ngày, ứng với bẩy vía và chín vía trong quan niệm của người Thái. Khi đến ngày ra lửa, người mẹ phải tắm bằng nước lá thơm, gội đầu, thay váy áo mới với một tâm thế trang trọng. Chủ nhà mời bà mo đến cúng. Trong đời sống tâm linh của người Thái Tây Bắc, bà mo “một nhính” có vai trò rất quan trọng, được mời trong các lễ cúng cầu xin con cho các đôi vợ chồng hiếm muộn con - “xên so lụk”, cúng vía trâu vào ngày 14/7 âm - “tám khuôn quái”, thôi sưởi lửa - “nhá phay”...

 

Bà Mo đang cúng cho nguồn sữa tốt lành.

Người Thái Tây Bắc quan niệm trên trời có một bà mụ gọi là “Me bẩu” chuyên dùng một khuôn để đúc người, cũng chính vì vậy trên đầu chỗ nằm của sản phụ bao giờ cũng có một chiếc bát cổ gọi là “thuổi bẩu” trong đựng tóc rối tượng trưng cho nhau của người mẹ. Ông nội hoặc đàn ông trong nhà đan một chiếc giỏ tre nhỏ gọi là “tạy ho” để dánh dấu sự ra đời của đứa trẻ. Tạy ho của con trai làm thêm cái nỏ bé, quạt... tạy ho của con gái có hai cánh và cái bật bông.... Sau khi cúng, “tạy ho” của con trai được treo ở gian thờ, của con gái treo ở gian dành riêng cho phụ nữ. Khi người con gái đi về nhà chồng sẽ đem theo. Đến khi qua đờì “tạy ho” sẽ đem hỏa thiêu cùng thi thể để báo cáo với thần linh người đó không còn trên cõi trần và nhập vào mường trời cùng tổ tiên.


Mâm cơm cúng bao giờ cũng có gà, trứng, xôi... Đầu tiên bà mo cúng ở gian thờ tổ tiên - “hỏng hóng”, bên cạnh mâm cúng đặt chiếc váy của bà đỡ, người đã đón cháu bé chào đời. Bà mo thay mặt gia chủ báo cáo với thế lực siêu nhiên và tổ tiên sự chào đời của cháu bé, cầu xin cho hai mẹ con mạnh khỏe. Sau đó mới cúng ở gian hai mẹ con nằm, lời cúng ngoài kể lại quá trình mang nặng đẻ đau của người mẹ thì còn chúc cho đứa trẻ: “Thằng cu, cái hĩm đều to cao lớn đều/ Người Thái trong bản bảo nhau/ Sau này bố mẹ, ông bà sẽ được nhờ cậy cháu/ Con cháu trưởng thành lớn khôn...”.


Tiếp đó bà mo cúng cầu cho bầu sữa của người mẹ nhiều sữa, không tắc. Bà mo lấy kéo cắt hờ trước đầu vú của sản phụ yểm không cho ma quỷ làm hại, rồi lấy rượu chải xuôi bầu vú cho không tắc tia sữa, lấy trứng xoa vào bầu vú người mẹ và chấm vào miệng đứa trẻ, cầu mong cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn. Trứng trong quan niệm của người Thái tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở và viên mãn, xôi là thành quả lao động vất vả mới có của con người. Sau khi bà mo cúng xong, bà ngoại cắt tóc cho cháu.

Sau đó bà mo buộc chỉ vào cổ người mẹ để giữ vía, mọi người buộc chỉ cổ tay cho người mẹ và cháu bé, cầu chúc và ban phước. Bà ngoại cháu bé treo nôi, bà mo còn cúng chiếc nôi cho cháu bé được ngủ ngon, sau đó bà nội đặt cháu bé vào nôi ru cháu ngủ, mọi người cùng ăn uống vui vẻ mừng cho gia đình. Mọi người hát vui mừng đứa trẻ chào đời, khuyên bảo người mẹ trẻ những kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh và ứng xử phải đạo với nhà chồng.


Trong lễ thôi sưởi lửa này cháu bé sẽ được ông bà ngoại đặt tên, từ nay trở đi chính thức là một thành viên trong gia đình được thần linh, tổ tiên và cộng đồng khẳng định. Ngườì Thái rất coi trọng bên ngoại, bởi quan niệm phúc lộc của con cháu là do họ ngoại mà có. Cũng vì vậy, trong lễ thôi sưởi lửa này người cao tưổi nhất bên ngoại được mời ngồi vị trí trang trọng nhất, mọi người đều buộc chỉ cổ tay cho cụ, cầu mong cụ mạnh khỏe, trường thọ, ban phúc cho con cháu.


Trong lễ: “Nhá phay” này trẻ sơ sinh được đặt tên, mỗi cái tên đều chuyên chở những hy vọng, niềm tin vào tương lai đứa trẻ. Mỹ tục này được các thế hệ người Thái duy trì như một nét đẹp văn hóa. Mỗi thành viên thêm vững tin vào cuộc sống, kính yêu các bậc sinh thành, để rồi sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Điều đó được thể hiện qua cái tên là “Ún” - tức là ấm cúng trong hạnh phúc gia đình, trong bản mường, “Sương” là thương nhau, “Hặc” là quý nhau, “Thâng” là nhớ nhau...

Song cũng có khi cha mẹ chỉ cầu mong một điều giản dị qua cái tên “Pâng” - tức là bằng chị bằng em, “Sáy” là trứng vì đứa trẻ có khuôn mặt trái xoan và mong cuộc sống của đứa trẻ nay mai được tròn trịa, như ý, hay đơn giản là “Đăm” vì có nước da đen, “Lón” vì có nước da trắng... Nhiều cái tên rất giản dị, trìu mến như “Nhinh” - là gái, “Chài” là trai, “Co” - là cây, “Lả” - là con út, “Phiêng” - là bãi phẳng rộng, “Xại” có nghĩa là đẻ giữa trưa, “Song” hoặc “Đôi”- là mong có anh chị em. Tên các loài hoa cũng hay được dùng để đặt tên như “Bók” - là hoa, “Bua” là sen, “Sọn” là hoa cúc...

Khi mong cho con cháu là người nhẹ nhàng, thanh thoát thường đặt tên là “Dong”, mong con cháu thành người nổi tiếng đặt tên là “Siêng” - tức là tiếng, hoặc con cháu mình đủ năng lực dẫn dắt, dìu dắt người khác nên người thường đặt tên là “Chung” hoặc “Chướng”... Có khi ông bà, cha mẹ đặt tên con cháu gửi gắm vào đó những điều lớn lao như “Chang” - tinh thông, “Han” - là dũng cảm, “Chựa” là làm giống, “Chaư” là tấm lòng trung thực, “Khang” là gang với ngụ ý cứng rắn, bền vững, “Thái” hoặc “Piến” - mong con có cuộc sống thay đổi, đủ khả năng thay thế cha mẹ giữ gìn và phát huy gia giáo, truyền thống tốt đẹp của tổ tông...

Cũng có khi người con khó nuôi, phải dựa vào người khác mới nên người được đặt tên là “Pầng” - là dựa vào hoặc “Inh” - dựa vào họ ngoại, “Đưa” là mất nhiều công sức mới nuôi được, “Giảng” là xấy. Mỗi đứa trẻ người Thái ra đời đều được đặt vào cái mẹt sảy gạo để chúng hấp thụ hồn lúa gạo, mong chúng lớn khôn, khi đứa trẻ hay đau ốm, khó nuôi, người nhà lấy mẹt hơ lên lửa để trừ ma tà. Với trường hợp đứa trẻ đau ốm mãi, gia đình mời thầy mo về cúng vía, xin âm dương cầu xin bà mụ - “mè bẩu” đặt tên khác với quan niệm: “cáy mík chừ pộ khôn/Cốnk mík chừ pộ mè bẩu” nghĩa là: “Gà có tên nhờ bộ lông/người có tên nhờ bà mụ”.

Bà mụ được quan niệm là bà mẹ trên mường trời chuyên đúc người bằng một cái máng. Bởi vậy các bà mẹ người Thái khi sinh con đều dùng một cái bát cổ “Thuổi bẩu” rồi đặt vào đó búi tóc rối hay mớ bòng bong tượng trưng cho cuống nhau đặt trên đầu chỗ nằm. Đấy cũng là lý do tại sao một số người có tên khai sinh và thường dùng khác nhau.


Mỹ tục này ngày nay vẫn được duy trì như một trong những tinh hoa văn hóa dân tộc.


Bài và ảnh: Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN