“Trước đây, tôi được đi theo ông ngoại là thầy cúng, nên tất cả các lễ hội, phong tục, nghi thức lễ cúng nào của người Khơ Mú, tôi đều nắm rõ. Nhưng tới bây giờ, nhiều lễ hội thể hiện rõ bản sắc của người Khơ Mú đã dần dần mất đi, không được tổ chức nữa”, ông Cá chia sẻ.
Ông Quàng Văn Cá làm lễ Cầu mưa. |
Là một người tâm huyết, ông Cá không thể nhìn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mai một như vậy. Ông tìm tòi sưu tầm và đề xuất với xã, huyện phục dựng lại được Lễ hội Cầu mùa, Cầu mưa và một số bài múa dân gian như: Múa Chập Chòe (Hưm Mạy), múa Tăng Bu; khôi phục một số nhạc cụ và hướng dẫn thế hệ trẻ cách sử dụng pí, đàn môi, đàn nhị...
Ông Cá cho biết: “Một mình tôi không thể khôi phục được, quan trọng là phải khơi dậy được hứng thú trong mỗi người dân. Xây dựng phong trào theo kiểu nhà nước và nhân cùng làm, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Nhờ đó, nhiều thanh niên nam nữ giờ đều biết múa, hát và sẵn sàng đi trình diễn ở nhiều nơi. Cứ buổi tối đến, lớp thanh niên trong bản lại đến nhà tôi để cùng nhau luyện tập văn nghệ”.
Ông Cá có 8 người con, trong đó 3 người đã ra trường và có việc làm ổn định, còn 2 người đang học Đại học Tây Bắc.
Có được thành quả như ngày hôm nay là ngày nào hai vợ chồng ông cũng đi làm nương từ sáng sớm tới tối mịt mới về để nuôi con. Con ông cũng có người muốn nghỉ học để ở phụ giúp bố mẹ làm lụng nuôi các em, nhưng ông kiên quyết không cho nghỉ. “Đời mình không có chữ nghĩa gì đã khổ lắm rồi. Nên mình vất vả mấy, phải quyết cho chúng nó ăn học đến nơi, đến chốn”, ông Cá chia sẻ.