Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Trương Văn Sy, dân tộc Nùng, ở xóm Tổng Sinh, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, 30 năm tuổi Đảng, đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi trên mảnh đất khô cằn của quê hương.
Đảng viên Trương Văn Sy phát triển kinh tế theo mô hình VAC. |
Nhà ông Sy nằm dưới chân ngọn núi Phia Oắc - Phia Đén cao 1.931 m, giữa đại ngàn là rừng xanh. Có lẽ đây là ngôi nhà khang trang nhất và là hộ khá giả nhất của xóm Tổng Sinh. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi được ông mua sắm từ thu nhập làm vườn.
Đã gần 70 tuổi nhưng ông Trương Văn Sy vẫn còn khá khỏe mạnh. Sau khi nghỉ công tác tại xã, không chịu ngồi một chỗ nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, ông lao vào cùng con cháu cải tạo vườn tạp xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC).
Trong câu chuyện của mình, ông không quên những năm tháng đói nghèo xưa kia, đất rộng nhưng không biết cách tận dụng, quanh năm chỉ biết trồng ngô, lúa nương nên đói kém quanh năm. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế, gia đình ông chăn nuôi thêm bò, nhưng chỉ chăn thả đơn thuần theo phương pháp truyền thống: Nuôi lớn rồi bán. Ông đã quyết định tìm hướng chăn nuôi mới, có thể quay vòng nhanh mà đem lại lợi nhuận cao. Năm 2000, ông chuyển sang áp dụng mô hình kinh tế VAC chăn nuôi lợn, mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, trúc sào và đào ao nuôi cá hồi, cá tầm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nhỏ của mình, ông kể: Gia đình đã có truyền thống trồng cây dong riềng làm miến từ năm 1968 đến nay, mỗi năm làm ra hơn 1 tấn miến. Miến được sản xuất thủ công, có chất lượng tốt, ngon nên được nhiều người ưa chuộng, bán rất chạy, hiện nay thu nhập từ bán miến được khoảng 70 triệu đồng một năm. Từ nguồn vốn đó, ông bắt đầu xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Trung bình mỗi năm xuất chuồng hơn 1 tấn lợn thịt, cho doanh thu từ 70 - 80 triệu đồng. Để chăn nuôi có lãi, trước thực trạng giá cả thức ăn chăn nuôi cao, ông đã tận dụng ruộng, nương rẫy để trồng lúa, trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, kết hợp các loại rau rừng, giúp giảm bớt chi phí.
Ngoài ra, với hơn 6.000 m2 chè, trúc sào, đào, ổi, kết hợp nuôi gà, đào ao thả cá tầm, cá hồi... cũng được ông Sy từng bước mở rộng, cung cấp giống cho các địa phương lân cận, bán về các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Kạn, thu về hơn 30 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo riêng cho gia đình thoát khỏi đói nghèo, ông đã tận tình hướng dẫn bà con làng xóm cách chế biến miến dong, đến mùa thu hoạch dong riềng tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương để sản xuất miến dong.
Từ những thành tích đạt được trong xây dựng kinh tế mới vươn lên thoát nghèo ở nông thôn, ông đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen là hộ sản xuất điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương, Bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hội làm vườn của tỉnh.
Bài và ảnh: Quân Trang