Khát khao ánh sáng điện
Cách trung tâm xã khoảng 5km, sóc Bù Tôm được bao bọc hầu hết bởi những vườn điều bạt ngàn. Những con đường vào sóc, đất đỏ pha sỏi đá, mùa khô bụi mù mịt. Sóc hiện có hơn 40 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc S’tiêng sinh sống.
Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Điểu Bon vẫn chưa được "nghỉ hưu" vì loay hoay với cây điều, cây cà phê. Ông được người dân, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm là người có uy tín trong sóc. Sống ở sóc Bù Tôm gần 40 năm, ông và nhiều người quá quen với cảnh đèn dầu, bếp củi. Việc tiếp cận thông tin bên ngoài qua các phương tiện thông tin đại chúng rất hạn chế. Nấu cơm, đun nước gắn liền với bếp than củi. Mọi sinh hoạt đều dừng lại trước 7 giờ tối bởi chiếc đèn dầu bé nhỏ không đủ thắp sáng cả nhà.
Không có điện lưới, cuộc sống gia đình ông càng khó khăn hơn khi 2 ha rẫy trồng xen điều, cà phê, hồ tiêu luôn trong tình trạng "khát" nước tưới vào mùa khô. Hơn 2 năm qua, gia đình ông đã đầu tư
gần 40 triệu đồng để mua máy dầu cùng với hệ thống ống dẫn, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tưới nước cho cây trồng. Ông Điểu Bon buồn bã: "Không có điện, không coi ti vi được, 7 giờ tối đã đi ngủ rồi. Đèn dầu phải dành cho các cháu nhỏ học bài. Tưới cà phê phải dùng máy dầu tốn kém lắm. Chúng tôi mong Nhà nước đầu tư điện thắp sáng, có điện để khoan giếng cho bà con trong sóc đỡ vất vả hơn."
Gia đình ông Điểu Búp có cuộc sống khá giả hơn. Không cam chịu cảnh sớm tối bên cây đèn dầu le lói khi các con đã trưởng thành, các cháu nội đã đến tuổi đi học, gia đình ông Điểu Búp đã đầu tư gần 15 triệu đồng để lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời. Thế nhưng, nguồn điện ít ỏi này cũng chỉ đủ để thắp sáng, sạc điện thoại, bật ti vi xem chương trình thời sự vào mùa nắng. Mùa mưa, nguồn điện hầu như chỉ đủ thắp sáng vài tiếng vào buổi tối. Việc tắm, giặt, tưới tiêu cho rẫy trồng xen điều, cao su, cà phê vào mùa khô chủ yếu nhờ vào năng lượng tự nhiên.
Ông Điểu Búp cho biết: "Tôi sống ở đây từ năm 1982, không có điện thiệt thòi đủ thứ. Các cháu học hành vừa thiếu sáng vừa nóng nực vào mùa khô. Điện năng lượng mặt trời chỉ cải thiện được việc thắp sáng chút ít. Còn mùa khô, việc tắm giặt phụ thuộc vào con suối. Nước tưới cho cà phê phải dùng tới máy nổ chạy bằng dầu tốn kém lắm.
Anh Điểu Tiến (sinh năm 1989) sau khi lập gia đình đã dựng nhà sống tại sóc cũ gần rẫy điều. Không có điện khiến gia đình gặp không ít khó khăn khi phải chăm sóc con nhỏ vào buổi tối.
Sóc không bị… "bỏ rơi"
Sóc Bù Tôm với 100% là người dân tộc S’tiêng, sống chủ yếu dựa vào làm rẫy cây điều, trình độ dân trí thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, năm 1997 huyện Bù Đăng đã quy hoạch khu định cư nông thôn sóc Bù Tôm ra Bù Môn, đáp ứng nguyện vọng của bà con trong sóc xin đất làm nhà ở dọc theo đường liên xã (đường Đoàn Kết-Thống Nhất).
Chính quyền địa phương đã bố trí gần 27.000 m2 để cấp cho bà con ổn định cuộc sống. Trung bình mỗi hộ được nhận một suất đất nền với 260m2, đồng thời các hộ này còn được huyện hỗ trợ mái tôn để làm nhà. Đến nay, khu định cư đã được đầu tư điện chiếu sáng, đường bê tông xi măng, trường học, nhà văn hóa cộng đồng... Đến năm 2010, tại khu định cư Bù Tôm đã có 52 hộ đang ở ổn định. Tuy nhiên, do nơi ở mới xa rẫy canh tác, hộ đông con không đủ đất nền ở nên nhiều hộ quay trở về sóc cũ.
Ông Điểu Búp, một trong những hộ được cấp đất tại khu định cư cho biết: Sau khi được Nhà nước cấp đất với chiều ngang 13m, chiều dài 20m, gia đình đã đầu tư gần 60 triệu đồng để xây nhà. Gia đình có 6 người con trai, đất chật, lại xa rẫy nên không tiện cho sản xuất và chăn nuôi.
Trước nguyện vọng chính đáng của các hộ dân sóc Bù Tôm, xã Đoàn Kết cho người đi khảo sát thực tế và đã có tờ trình gửi Điện lực Bù Đăng xem xét hạ thế đường điện từ đường ĐT.755 vào sóc Bù Tôm cũ, tạo điều kiện cho người dân sinh sống và sản xuất. Tuy nhiên, do sóc Bù Tôm nằm xa trung tâm, người dân sinh sống thưa thớt nên đến nay vẫn chưa được kéo điện.
Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Võ Minh Phước cho biết: Việc xây dựng khu định cư sóc Bù Tôm mới thuộc chủ trương của UBND huyện, cấp cho 48 hộ dân với mong muốn giúp bà con có điều kiện tốt hơn để thoát khỏi cuộc sống du canh, du cư. Bước đầu các hộ đã đồng thuận và ổn định cuộc sống tại sóc mới. Sau đó, do thói quen, cùng với điều kiện rẫy nương, chăn nuôi trâu, bò, nên một số hộ quay trở lại sóc cũ, chỉ một số hộ trẻ ở lại để tiện cho các cháu đi học. Bên cạnh đó, các hộ này là người dân tộc S’tiêng, trung bình mỗi gia đình đều có 4-5 người con trở lên. Sau nhiều năm, thế hệ trẻ lớn lên và lập gia đình, trong khi diện tích đất không phát triển thêm, nên họ đã quay trở lại sóc cũ, hiện đã ổn định cuộc sống và canh tác.
Theo ông Võ Minh Phước, việc kéo điện vào sóc Bù Tôm là chuyện một sớm một chiều, đây cũng là một trong những tiêu chí để xã xây dựng nông thôn mới. Xã đang tính đến phương án kéo điện vào sóc qua các vườn cây ăn trái. Phương án này vừa tiết kiệm được đường đi, vừa có thể sử dụng điện để tưới cho cây ăn trái của các hộ dân.