Người cải tiến thành công máy nông cụ phù hợp với địa hình miền núi

Do đặc thù địa hình vùng đất Tuyên Quang là ruộng bậc thang, manh mún nhỏ lẻ, nên những chiếc máy nông cụ vẫn bán trên thị trường khi đưa vào sử dụng không phát huy hết được công năng… Sau nhiều năm nghiên cứu, anh nông dân Phùng Duy Thành, ở tổ nhân dân Tân An, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã cải tiến thành công chiếc máy cày để phù hợp với địa hình đồng ruộng miền núi.


 

Anh nông dân Phùng Duy Thành bên những chiếc máy cày cải tiến.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm lò rèn, ngay từ bé, Phùng Duy Thành đã quen với bếp lò đỏ lửa, mùi sắt cháy và khói than... Năm 1990, sau khi tốt nghiệp THPT, Thành ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Năm 1997, nhận thấy đất gần nhà phù hợp với việc trồng cam, anh quyết định xây dựng một trang trại cam sạch, với diện tích hơn 1 ha. Trong một lần đưa cam đi tiêu thụ ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định… anh thấy bà con nông dân những nơi đó làm ruộng không vất vả vì cày, bừa… đều do máy làm hết. Về nhà anh bàn với vợ mua chiếc máy cày về phục vụ sản xuất của gia đình. Tuy nhiên, khi đưa máy vào sử dụng, anh đã phát hiện rất nhiều điểm bất hợp lý…


Nhận thấy muốn phù hợp với ruộng nhỏ lẻ, bậc thang ở khu vực miền núi thì một số chi tiết máy cần phải thay đổi, Thành đã ấp ủ dự định cải tiến lại máy nông nghiệp. Sau nhiều tháng mày mò, anh đã cải tiến thành công chiếc máy cày để phù hợp với loại ruộng nhỏ lẻ, ruộng thụt ở miền núi.

 

Anh giải thích, khi đã nắm bắt được ưu, nhược điểm của máy, thì việc cải tiến sẽ dễ dàng hơn. Chẳng hạn, chiếc bánh lồng ban đầu có đường kính 48 cm được anh cải tiến thành 55 cm; chiều dài các thanh nan của bánh lồng ban đầu có chiều dài 40 - 45 cm được anh nối dài lên 50 - 60 cm. Tức là phải hàn cho trục dài ra 10 - 15 cm, còn vô lăng rộng thêm. Anh Thành lý giải: “Ở vùng mình chủ yếu là ruộng sâu bùn (ruộng thụt), nếu bánh lồng bé sẽ khó cày xới.

 

Còn để bánh bám được, tôi cải tiến cho to hơn giúp không bị lật, chắc chắn hơn”. Cộng thêm những công đoạn hàn xì, rồi thêm bớt, cắt gọt một số linh kiện máy… Ngoài ra, chiếc máy cày trước đây, khi cày trên đồi chỉ lật được đất về một bên nay được anh cải tiến khi cày đất được lật về hai bên dễ dàng.


Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nhận xét: “Chiếc máy cày do anh Thành cải tiến một số chi tiết, dễ sử dụng mà năng suất lao động cao, rất phù hợp với điều kiện đồng ruộng miền núi”.


Sau khi cải tiến thành công chiếc máy cày phục vụ cho gia đình, để đáp ứng nhu cầu cung cấp máy cho bà con, anh Thành đã mở cửa hàng bán máy nông nghiệp tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên. Hiện cửa hàng của anh Thành có quy mô lớn nhất huyện Hàm Yên, với 7 lao động thường xuyên. Khách hàng của anh là bà con nông dân các huyện Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và các tỉnh Hà Giang, Yên Bái...

 

Anh Thành cho biết, dự định trong năm tới anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng, thành lập thêm xưởng chuyên cải tạo các máy nông cụ như máy cày, máy tách ngô, máy ép phân viên nén dúi sâu… để đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi.


Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN