Trời đã trở buồn theo những cơn mưa, những trận lụt đổ nhau về trên xóm nhỏ quê mình. Nhưng mùa cũng bình yên và dịu hẳn đi sau những ngày nắng cháy. Đôi lúc để lòng tĩnh tại hơn, dạo một vòng ra lối ngõ mà có lẽ lâu rồi chưa một mình thả bước. Tiếng trống múa lân của đám trẻ con trong xóm làm mình cảm thấy xốn xao hơn.
Vậy là Trung thu đã cận kề bên ngõ, cận kề theo ký ức trở về. Lại thấy ngõ nhà mình thân thương biết mấy.
Thật ra, với những đứa trẻ quê như chúng tôi, ngõ nhỏ vào nhà gắn với nhiều kỷ niệm thân thuộc hơn cả căn nhà, mảnh vườn quê. Ngày còn nhỏ, ngõ nhà thường là nơi tụ tập của những đứa trẻ choai choai với những trò nghịch khôn có mà dại cũng có. Tiếng khóc tiếng cười thời con nít của tôi cũng thường trực với ngõ nhà.
Bao lần bị ba đánh đòn, bao lần chờ mẹ đi chợ về muộn, tôi đều ngồi một mình bên góc ngõ để thấy mình cô đơn đến vô cùng. Lon ton chạy theo gánh rau bán ế mẹ đem về hoặc ngồi mân mê từng vết lằn roi của ba là những điều tâm trí tôi còn in lại được.
Cái đói, cái đau cũng cùng ngõ quê và tôi ghi thành một trang thơ dại để rồi sau này vào đời còn nhớ mãi.
Ngõ quê vui hơn là những ngày lễ tết. Nhưng Tết Trung thu thì có lẽ khiến lòng trẻ con như tôi ngày đó dịu hơn một chút. Chưa được đi đâu xa. Phạm vi được phép của tôi là đứng trước ngõ nhìn những anh lớn tuổi hơn tập múa lân và dõi theo những đầu lân múa may quay cuồng cùng ánh đèn đuốc sáng lòa trong đêm rằm tháng 8. Dõi theo để mà vui, để mà tiếc, để mà mơ có một ngày mình cũng được cầm đầu lân múa như thế.
Nhưng ước mơ mãi mãi là ước mơ cho đến tận bây giờ. Bởi những ngày ấu thơ thì gia đình tôi và bản thân tôi quá khép kín trước những gì diễn ra xung quanh. Ba tôi sợ nhiều điều không hay cho một đứa trẻ yếu ớt và dễ bị bắt nạt như tôi nên tôi vừa ra khỏi ngõ là đã gọi về. Có lẽ thế, Trung thu của tôi cũng chỉ lòng vòng quanh con ngõ. Niềm vui của một đứa trẻ trong đêm hội rằm tháng 8 như tôi của chỉ vỏn vẹn cùng con ngõ.
Tôi lớn lên và vào đời quá nhanh để quên mất rằng mình đã từng mơ được múa lân và tham gia những đoàn lân cùng trẻ con quanh xóm quê nghèo. Những mùa Trung thu cứ lần lượt đi qua trong cảm xúc của thằng tôi thời thơ dại.
Lạ một điều là càng lớn, tôi càng không thấy Trung thu ý nghĩa. Dẫu giờ, năm nào cũng đi theo các đoàn lân để xem ở các nơi khác nhau nhưng tôi thấy những đầu lân ấy như vô hồn, không còn đẹp như cái thời ngóng dài ngóng ngắn mong được chạy chân trần theo đầu lân lũ trẻ cùng xóm nữa.
Mỗi độ Trung thu, nhìn những hàng lân bày bán đa sắc đa màu mà lòng cũng thấy gợn buồn xen với nỗi nhớ. Cái gì cũng công nghiệp và hiện đại. Ngày trước, xóm tôi, trước mùa lân, trẻ con phải tự đi vét đất sét ở gò về làm cho mình. Ngày vui sẽ có ý nghĩa hơn khi chính bàn tay trẻ làm nên cuộc vui, làm nên những đầu lân đầy mồ hôi và nước mắt...
Lang thang một chiều thu đầu ngõ, thấy mình như trẻ con lại, thấy lòng tĩnh lặng hơn và bớt đi những nỗi lo, những toan tính thiệt hơn với đời, với người... Cầu cho thu trôi qua chầm chậm ngõ nhà mình. Cầu cho những yêu thương, gần gũi, mát lành còn lại mãi với ngõ quê.
Khi những hàng rào thép gai, những con ngõ bằng tường gạch, bằng bê tông đã làm thay đổi phần lớn kết cấu làng quê mình thì mong vẫn còn chỗ để khi mệt mỏi quay về lững thững đôi chân trần trên mặt cát ngõ quê cũng là một niềm mong một mai có thể dễ mất đi. Nhất là khi mùa Trung thu đã về...
Nguyễn Thành Giang