Những cặp vợ chồng trẻ thường rơi vào tình cảnh lúng túng, không biết xử trí ra sao khi con nhỏ mắc bệnh. Trong lúc bối rối như vậy mà nhận được một lời khuyên thì chẳng khác nào “chết đuối vớ phải cọc”. Tuy nhiên, không phải lời khuyên nào cũng đúng, thậm chí có những lời khuyên rất phản khoa học. Vậy làm thế nào để giữ được thế “chủ động” trước bệnh tật của con trẻ?
Chị Vũ Thị Tư (Đông Anh, Hà Nội) kể: Một lần, con gái chị (3 tuổi) bị sốt, quấy khóc, nhưng chị vẫn để cháu ở nhà. Người hàng xóm thấy vậy khuyên chị nên đặt cháu trước quạt để hạ cơn sốt cho bé. Con bé không những không hạ sốt mà còn gào khóc kêu lạnh. Chị giúp việc thì lại khuyên chị nên dùng khăn ướp đá lau người cho bé, bé còn khóc to hơn. Sốt ruột, chị Tư gọi điện cho cô em chồng và nhận được lời khuyên: Nấu những loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng để bồi bổ sức khỏe cho bé. Chi vội đi nấu một bát cháo chim bồ câu (rất nhiều thịt) nhưng bé chỉ ăn được hai thìa rồi nhất định không chịu há miệng...
Bấn loạn với đủ loại lời khuyên mà không giải quyết được gì, sáng sớm hôm sau, chị Tư khẩn trương đưa con đến bệnh viện. Bác sỹ khám rồi chẩn đoán bé bị viêm họng cấp gây sốt và khuyên chị dùng khăn ấm lau người, đặc biệt là nách và bẹn dể giúp hạ sốt, tăng cường cho bé uống nước... Sau khi uống thuốc theo đơn bác sỹ kê, chỉ một ngày sau, bé đã hạ sốt và ăn được bát con cháo... Từ đó chị đâm ra “dị ứng” với những lời khuyên khi con chẳng may mắc bệnh.
Theo các bác sỹ nhi khoa, để giữ thế “chủ động” trước bệnh tật của con trẻ, những người trực tiếp chăm sóc trẻ phải chịu khó quan sát, quan tâm đến diễn biến bệnh tật và ghi chép lại nếu thấy cần thiết. Nếu trẻ chỉ hơi mệt, không hoạt bát linh động; hoặc khóc lóc, cằn nhằn, khó chịu, bứt rứt không yên… thì cách giải quyết tốt nhất là cho trẻ ăn (không ép) rồi vỗ về để đưa trẻ vào giấc ngủ. Sau khi ngủ say và đủ giấc, trẻ sẽ vui vẻ, hoạt bát trở lại. Nhưng khi trẻ có các dấu hiệu như bỏ ăn, bỏ bú hoặc chỉ ngậm mà không mút, người lừ đừ, khóc nhiều, dỗ không nín; nặng hơn nữa là ngủ li bì, sốt cao thì theo các bác sỹ nhi khoa, người lớn cần đưa trẻ tới bệnh viện, không nên để ở nhà và chữa bệnh cho trẻ theo lời khuyên của những người xung quanh.
Trước khi đến cơ sở y tế, bố mẹ cần nắm vững một số thông tin liên quan đến trẻ để cung cấp cho bác sĩ khi cần thiết như: Trẻ cân nặng bao nhiêu kilogram, có lên cân đều đặn không, có chủng ngừa đầy đủ không?. Đặc biệt, những thông tin liên quan đến bệnh của bé là rất cần thiết, giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh được chính xác và cho thuốc điều trị đúng bệnh. Cụ thể, bố mẹ cần nói rõ bệnh của bé khởi phát vào lúc nào (nhớ rõ ngày giờ càng tốt); triệu chứng gì xảy ra trước, thí dụ: Sốt rồi mới ho, đau bụng hay ho, đau bụng rồi mới sốt?
Nếu thấy cần thiết phải tiến hành các xét nghiệm thì bác sỹ sẽ chỉ định, bố mẹ không nên tự ý làm, cũng không nên đòi hỏi, vì nếu cố làm sẽ gây tốn kém, thậm chí nếu tiến hành xét nghiệm không đúng thời điểm còn cho kết quả sai lệch. Các chuyên gia y tế ví dụ, trong bệnh sốt xuất huyết, chưa đến lúc cần thử máu mà đòi thử sớm quá sẽ thấy máu bình thường, từ đó, bệnh nhân và người nhà mất cảnh giác với bệnh tật, khiến bệnh nặng hơn, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị.
Linh Nhi