Ở nước ta, dân tộc La Hủ có khoảng 9.651 người, tập trung chủ yếu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (có 9.600 người, chiếm 99,47 %). Người La Hủ có những nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: Sáo, khèn, đàn tre, đàn đơ đờ đơ, đàn ta tò ta. Những nhạc cụ này phục vụ trong dịp lễ, tết, lúc vui buồn, lên nương, vào rừng và gọi bạn tình, tìm hiểu giữa người con gái và con trai. Chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được của người La Hủ… Mỗi nhạc cụ đều có một âm điệu khác nhau, tạo nên một nét riêng trầm bổng du dương lôi cuốn lòng người, trong đó nhạc cụ sáo rất phong phú, đa dạng và vẫn còn lưu giữ, phổ biến trong đời sống hiện nay.
Cô gái La Hủ say sưa gọi bạn tình bằng tiếng sáo du dương. |
Sáo có nhiều loại như: Sáo 4 lỗ (í la la), sáo 6 lỗ (li la lồ), sáo 3 lỗ (chsu chsu đà), sáo dọc (tu pê). Sáo 3, 4, 6 lỗ thì gọi theo lỗ trên cây sáo, còn sáo dọc thì gọi theo cách sử dụng của sáo. Mỗi loại sáo đều có một âm điệu khác nhau và không phân ra sáo nào thổi riêng và sáo nào thổi chung. Trong các loại sáo thì thích thổi riêng cũng được và thổi chung cũng được, nếu thổi chung thì tạo nên một dàn âm thanh sôi nổi.
Mọi người trong bản vẫn quây quần để thổi sáo vui vẻ. |
Nguyên liệu để làm các loại sáo rất đơn giản là cây nứa, cây lau nhưng để có một cây sáo thổi hay thì phải biết lấy đúng mùa, đúng kích cỡ và gióng cây... và do tài khéo léo của người thợ làm ra nó. Nếu làm sáo bằng cây nứa (bù đô) thì phải lấy cây nứa trên rừng cao, ống to bằng ngón tay út của trẻ con. Nứa lấy làm sáo vào tháng 9 đến tháng 10, vì khi ấy mọi người mới nhàn rỗi, mùa màng thu xong, chuẩn bị đến tết, mọi người cùng nhau vào rừng lấy nứa về làm sáo để thổi. Vào rừng chọn những cây nứa gióng dài và có tuổi khoảng 3 năm; chọn lấy phần ngọn để bề dài của thân mỏng sẽ cho âm thanh trong trẻo. Chọn được gióng làm sáo rồi đặt trên gác bếp 2 - 3 ngày mới đem ra làm. Sáo nứa sử dụng và bảo quản tốt thì giữ được 3 - 4 năm. Làm sáo bằng cây lau rất khó, vì thân mềm không cứng như cây nứa, khó điều khiển được lưỡi gà của sáo. Vì vậy, phải chọn ống nhỏ như cây nứa, vào tầm tháng 9 - 10 khi bông lau nở xòe thì lấy đoạn phía dưới bông lau, đoạn này dài và mỏng. Khi lấy về thì làm luôn lúc tươi, và chỉ làm được sáo 3, 4, 6 lỗ. Sáo bông lau bảo quản tốt thì chỉ dùng được dưới 1 tháng, nó sẽ bị hỏng lưỡi gà.
Phụ nữ La Hủ tự làm cho mình một cây sáo để sử dụng là một niềm vui. |
Theo như lời của bà Phản Me Ly nghệ nhân 56 tuổi, ở bản Pa Ủ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè): Việc làm và sử dụng nhạc cụ sáo cũng có những kiêng kị. Sáo 6 lỗ kiêng không được đưa ra rừng thổi, vì âm điệu của sáo này là “ly la lồ”, mà “la” là hổ, nên thổi sáo tức là mình đang gọi con hổ đến ăn thịt người thổi sáo. Cây sáo dọc 4 lỗ thì chỉ người biết làm mới dám làm, vì người La Hủ ngày xưa quan niệm rằng nếu người nào làm mà thổi chiếc đầu tiên không kêu thì con cái sau này của người đó sẽ bị câm điếc. Nếu người không biết làm thì mượn của người biết làm để thổi. Các lứa tuổi đều dùng được các loại sáo, và nó có cùng chung một mục đích thổi lúc vui, lúc buồn, đi nương, đi rừng, tìm hiểu nhau, vui tết. Không phân biệt loại sáo nào là dành cho lứa tuổi nào, và sáo nào phải dùng vào mục đích gì.
Những người già và trung niên vẫn giữ kỹ thuật điêu luyện để làm sáo. |
Nhạc cụ sáo chủ yếu là phụ nữ, con gái sử dụng. Con gái lên 10 tuổi ngày xưa đã biết thổi sáo để gọi bạn tình. Nhưng nếu thổi trong nhà thì bố và anh trai phải đi vắng, buổi ngày không thổi, vì sợ xấu hổ; nếu đi nương vắng người thì thổi được. Khi tiếng sáo của cô gái cất lên thì các cô gái khác cũng mang sáo đến để thổi cùng. Các chàng trai nghe thấy thì rủ nhau đến chơi, tìm hiểu, ai thích ai mà cảm thấy hợp nhau thì tỏ tình, hẹn hò nhau. Nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ cũng bởi tiếng sáo, họ sống thật hạnh phúc. Tiếng sáo là sự minh chứng cho tình yêu và sự thủy chung son sắt giữa người với người, nhất là sinh hoạt tình cảm trong gia đình và sự cố kết cộng đồng làng bản thêm bền chặt.
Bài và ảnh: Việt Hoàng