Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang kiến nghị, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách xã hội; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, trong quý II năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt quan tâm những đơn vị có chất lượng tín dụng chưa ổn định. Tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch tín dụng được giao, tích cực triển khai giải ngân nguồn vốn tồn đọng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm kịp thời phát hiện sai sót để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong quý II năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang tiếp tục tích cực huy động vốn tại địa phương; tập trung tổ chức giải ngân kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Phối hợp với hội đoàn thể kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác; tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện sai sót để có biện pháp xử lý.
Tính đến cuối tháng 3, tổng nguồn vốn thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang là trên 2.115 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt trên 230 tỷ đồng, tăng trên 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017; doanh số thu nợ đạt trên 130 tỷ đồng.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 2.110 tỷ đồng, hoàn thành 78,3% kế hoạch năm 2018. Các chương trình tín dụng chính sách có dư nợ lớn gồm: hộ mới thoát nghèo; nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; học sinh, sinh viên. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ vay vốn cho trên 12.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; gần 100 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trên 1.200 hộ vùng khó khăn phát triển sản xuất./.