Lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh, các đối tượng môi giới đã về nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk dụ dỗ hàng trăm trẻ em, trong đó nhiều em còn đang đi học, bỏ học đi lao động trái phép ở ngoại tỉnh, chủ yếu là TP Hồ Chí Minh. Tình trạng này đang ngày càng diễn biến phức tạp, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Cần đầu tư hơn nữa cho giáo dục để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. |
Diễn biến phức tạpTrong căn nhà dài cũ kỹ ở buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao, huyện Lắk, cô bé H'Linh Triêk gầy gò, đen nhẻm, sinh năm 2002, đang phụ giúp cha mẹ nấu cơm. Cùng với 4 bạn khác trong buôn, em vừa được đối tượng môi giới đưa về sau 20 ngày làm việc tại một cơ sở may mặc ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Khi bị dụ dỗ đi lao động, H’Linh đang là học sinh lớp 4, trường tiểu học Y Jút, xã Yang Tao. H'Linh kể: “Các em được bà Amí Hun đưa xuống quận Tân Bình, sau đó chia ra mỗi người một nẻo, không làm cùng nhau. Nơi em ở có 7 người con trai, 3 con gái. Em làm việc cắt chỉ, lựa màu chỉ, hàng ngày từ 7 giờ sáng - 12 giờ đêm mới nghỉ. Lúc đầu em sợ lắm, khóc mấy ngày đêm vì nghĩ là mình đã bị bắt cóc nhưng rồi cũng quen”.
Cách nhà H’Linh không xa là “túp lều” của gia đình em Y Hưng Du (sinh năm 2000). Cuối tháng 3/2015, Y Hưng cùng 6 em nhỏ khác trong buôn được đưa ra Cư Kuin, để Amí Hun đưa đi làm việc. Giữa tháng 4, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk gọi điện yêu cầu Amí Hun phải đưa các em về, nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bà H'Nhăm Kmăn, cộng tác viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em buôn Dơng Guôl (xã Yang Tao) cho biết: Năm 2014, buôn có 4 em từ 13 - 14 tuổi đi làm ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, năm nay thêm 7 em. Các em đi lao động chủ yếu do gia đình khó khăn, không có đất canh tác, nhà thì bố mất, nhà thì mẹ mất. Trong số 7 em đi lao động ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm nay, 5 em đã bị trả về do các đối tượng môi giới và các chủ sản xuất này không muốn “đụng chạm” đến pháp luật vì sử dụng lao động trẻ em.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm bắt đầu nhen nhóm từ năm 2013 và ngày càng diễn biến phức tạp. Đến cuối tháng 5/2015, trên địa bàn tỉnh có 137 trẻ em từ 9 - 15 tuổi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng này diễn ra ở tất các các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở huyện Krông Pắk (50 em), Lắk (60 em), Krông Bông (12 em)...
Cần sự chung tay của cộng đồng Tình trạng trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị dụ dỗ, lôi kéo bỏ học đi lao động ngoại tỉnh đã đến mức báo động. Trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho chính bản thân các em, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, mà còn tạo nên nhiều áp lực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giải quyết tình trạng này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở các thôn, buôn rà soát, nắm bắt thông tin và có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động trái pháp luật. Sở đã làm việc trực tiếp với một số địa phương trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình, lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức; gửi văn bản đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đề nghị kiểm tra, xác minh và phối hợp giải quyết tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động tại địa phương này...
Tuy nhiên, theo ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, đó mới chỉ là những biện pháp tức thời khi đã xảy ra vấn đề. Còn để ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng trên cần phải giải “bài toán” khó khăn về kinh tế của gia đình các em. Vì vậy, Nhà nước cần ưu tiên các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho những xã khó khăn, nhất là tạo điều kiện cho những gia đình nghèo có trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động xa nhà có điều kiện phát triển kinh tế, tiếp tục cho con em đến trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm bố trí thêm kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở để phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc rà soát, nắm bắt thông tin tình hình trẻ em, báo cáo, hỗ trợ ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương. Các cấp, ngành hữu quan và chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động sớm.