Theo truyền thống của người Khmer Nam Bộ, lễ cúng trăng hay còn gọi là lễ Ok Om Bok được tổ chức hàng năm vào đêm 15 tháng 10 âm lịch, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng, vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng trong năm. Lễ vật đặc biệt trong lễ hội này là cốm dẹp, nên người ta còn gọi là lễ Ok Om Bok nghĩa là “ăn bụm cốm dẹp hay đút cốm dẹp”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội Ok Om Bok có nguồn gốc nông nghiệp, vì dân tộc Khmer đa số là nông dân, làm ruộng theo hai mùa trong năm. Mùa mưa từ 16/4 tới 15/10, mùa khô từ 16/10 tới 15/4 (âm lịch). Hai mùa này tính theo chu kì của mặt trăng quay vòng quanh trái đất. Vì thế ngày 15/10 là ngày cuối cùng mùa hạ và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nước là sớm nhất. Và để nhớ ơn mặt trăng, họ lấy lúa nếp giã thành cốm dẹp với các loại ngũ cốc khác để cúng trăng.
Đua ghe Ngo - một sinh hoạt văn hóa đặc trưng trong mùa lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ. T.L |
Theo truyền thống của người Khmer, đúng đêm 15/10 trước khi mặt trăng lên đỉnh, mọi người tập trung tại khuôn viên chùa, trong nhà, hay nhiều nhà cùng đến một nơi rộng rãi, không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng mặt trăng. Trước hết họ đào lỗ cắm hai cây trúc làm trụ, hình thức giống như một cái cổng bằng tre, có trang trí hoa văn. Dưới cổng, kê một cái bàn bày các phẩm vật cúng gồm cốm dẹp và các loại nông sản khác như: Dừa, chuối, khoai lang, khoai mì, khoai môn, bánh kẹo… Sau đó trải chiếu mời bà con cô bác, phật tử ngồi chắp tay hướng về mặt trăng để làm lễ. Khi mặt trăng lên cao tỏa sáng, người ta đốt nhang, nến, rót trà và mời một cụ già làm chủ lễ.
Cụ khấn vái, nói lên lòng biết ơn của đồng bào dâng và ban phước cho mọi người sức khỏe dồi dào, thời tiết mưa thuận gió hòa để đồng bào hưởng được nhiều thành quả lao động trong năm tới. Cúng xong, cụ gọi trẻ em đến gần, ngồi chắp tay hướng về mặt trăng, rồi lấy cốm dẹp cùng với các loại đồ cúng khác, mỗi thứ một ít cho vào miệng các bé, còn tay kia đấm lưng hỏi các em muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin của người lớn vào kết quả xấu tốt trong năm tới. Kế đến, họ mời mọi người dùng các thức cúng, còn các em múa hát, vui chơi cho tới khuya mới chấm dứt.
Theo truyền thống của người Khmer, trong lễ hội cúng trăng này, đồng bào Khmer thường tổ chức thả đèn gió, thả đèn nước (hoa đăng) vào ban đêm gọi là “Lôi protip”. Từ xa xưa, tục thả đèn nước mang tính chất tôn giáo. Người Khmer tổ chức lễ thả đèn nước để tưởng nhớ đến Đức Phật, và cũng để dân làng tạ lỗi với thần đất và thần nước… Ngoài ra đây cũng là dịp để mọi người được ngắm lại cái đẹp, cái rực rỡ của chiếc đèn trôi trên dòng sông trong đêm lễ hội, như nhắc nhở mọi người hãy ra sức bảo vệ môi trường nước, môi trường sinh thái, vốn là lá phổi của trái đất. Đèn nước có cấu tạo như một ngôi đền, làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn, trên mui đèn người ta thường treo cờ phướn (cờ Phật).
Chung quanh, người ta cắm đèn cầy và nhang, bên trong thường bày các thức ăn để cúng như trái cây, bánh kẹo, cá khô, gạo, mắm, muối… Trong lễ thả đèn, các nhà sư và đồng bào thắp nến, nhang xung quanh đèn, rồi tụng kinh để tưởng nhớ đến ân Đức Phật và xin tạ lỗi đất và nước. Sau đó, rước đèn ra nơi thả có đoàn múa trống Chhà-dăm đi theo. Ngoài ra còn có tục thả đèn gió trong lễ hội vào buổi tối tượng trưng cho những ước vọng cao đẹp, niềm tin niềm hy vọng cho quốc thái dân an, gửi theo ngọn đèn gió tới thần Mặt trăng, và luôn nghĩ đến thần, như thần đang ngự trên đầu mình, đang theo dõi và ủng hộ cho mình luôn được an vui hạnh phúc.
Một sinh hoạt truyền thống khác không thể thiếu trong lễ hội Ok Om Bok là lễ đua ghe Ngo (tiếng Khmer gọi là Prò-năng tu-uk ngôo). Vào đúng ngày rằm tháng 10 (âm lịch), trên những dòng sông mênh mông giàu phù sa của vùng đất Nam Bộ, thường vang lên những tiếng hát, tiếng reo hò của hàng chục ngàn người say mê cổ vũ cho cuộc đua ghe ngo truyền thống. Chiếc ghe ngo được làm bằng cây sao hình thù tựa như con rắn, mình thon thon, thoai thoải về hai phía; đầu ghe ngo uốn cong và thấp hơn sau lái một chút. Ghe ngo có hình cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu tới lái, người Khmer gọi là đon xon tu-uch (cây cần câu).
Cây này được làm bằng cây tràm, vừa bền, vừa có độ nhún giúp ghe được vững và nhảy vọt. Trên lòng ghe đóng nhiều thanh cây ngang dài khoảng 1,2m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe ngo thường có từ 52 - 54 chỗ ngồi cho người ngồi bơi và chỉ huy. Thân ghe ngo được sơn màu đen, hai bên sơn vệt màu trắng, vàng, đỏ với những hoa văn đặc trưng của người Khmer hoặc vẩy rồng, rắn. Đầu ghe vẽ hình con thú biểu tượng cho chiếc ghe ngo của chùa mình. Ghe ngo do địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền bạc tạo nên và được bảo quản rất cẩn thận trong chùa.
Mỗi năm ghe ngo được đưa xuống nước một lần vào dịp lễ hội Ok Om Bok. Vì vậy người ta tổ chức lễ hạ thủy rất công phu, ngoài lễ cúng, người Khmer còn tập trung tập luyện rất siêng năng. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật. Trước cuộc đua, họ luyện tập bơi trên cạn cho đều tay và đúng nhịp sau đó mới tập bơi dưới nước. Người ngồi mũi ghe để chỉ huy cho cả đoàn đua phải là người có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong phum sóc.
L.H