Mỹ nín thở trước nguy cơ chính phủ đóng cửa

Các nghị sĩ quốc hội Mỹ không có nhiều thời gian để ngăn chặn nguy cơ chính phủ nước này phải đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm qua. Nếu không đạt được một thỏa thuận về ngân sách, chính phủ Mỹ sẽ chính thức đóng cửa bắt đầu từ ngày 1/10 - thời điểm bước vào năm tài khóa mới của Mỹ.


Căng thẳng lên cao


Trong một động thái khiến nguy cơ đóng cửa chính phủ gia tăng, ngày 29/9, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời cho phép cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ liên bang tới ngày 15/12. Tuy nhiên kèm theo quyết định này, phe Cộng hòa cũng bỏ phiếu trì hoãn một năm chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Barack Obama, còn được gọi là "Obamacare", đồng thời hủy bỏ đánh thuế (2,3%) đối với các thiết bị y tế từ ngày 1/1/2015.

Đài tưởng niệm Lincoln bị đóng cửa khi chính phủ Mỹ buộc phải ngừng hoạt động năm 1995.  Ảnh: CNN


Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cùng ngày đã hối thúc Thượng viện "hành động kịp thời" và thông qua dự luật ngân sách chính phủ khẩn cấp nhằm ngăn ngừa tình trạng đóng cửa một phần các cơ quan công quyền lần đầu tiên kể từ năm 1996.


Thượng viện do phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát, trong khi đó, đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thay đổi gì trong chương trình “Obamacare”. Chính quyền Obama cho biết việc thực hiện đạo luật "Obamacare", trong đó có việc đánh thuế các thiết bị y tế, sẽ vừa giúp tạo nguồn kinh phí hoạt động cho chính phủ, vừa đảm bảo các binh sĩ Mỹ sẽ vẫn được trả lương ngay cả trong trường hợp chính phủ phải ngừng hoạt động.


Căng thẳng giữa hai phe Dân chủ - Cộng hòa ngày càng bị đẩy lên cao. Adam Jentleson, phát ngôn viên của lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid, ngày 29/9 tuyên bố: Thượng viện sẽ bác những biện pháp của Hạ viện. Lúc đó, các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện sẽ đứng trước lựa chọn mà họ luôn phải đối mặt, đó là chấp nhận cùng Thượng viện thông qua dự luật ngân sách tạm thời một cách nguyên vẹn, hoặc là buộc chính phủ phải đóng cửa.


Nhà Trắng cũng thẳng thừng chỉ trích hành động của Hạ viện và cảnh báo sẽ bỏ phiếu phủ quyết dự luật ngân sách tạm thời trong phiên họp chiều 30/9 (giờ Mỹ).


Nước đến chân


Trong bối cảnh các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa chưa chịu nhân nhượng lẫn nhau thì hàng trăm ngàn nhân viên liên bang đang đối mặt với nguy cơ bị buộc phải “ngồi chơi xơi nước”.


Theo dự báo của các nhà kinh tế, nếu chính phủ bị đóng cửa, khu vực Washington, nơi tập trung đông nhân viên và nhà thầu liên bang nhất nước Mỹ, có thể thiệt hại khoảng 200 triệu USD mỗi ngày và hơn 700.000 người sẽ bị ảnh hưởng.


Đây sẽ là một đòn giáng vào du lịch, một trong những trụ cột kinh tế của khu vực Washington, nếu những nơi hút khách du lịch như bảo tàng Smithsonian, vườn bách thú quốc gia... ngừng hoạt động vì không được cấp kinh phí. Ông Stephen Fuller, giám đốc Trung tâm phân tích khu vực của trường Đại học George Mason, nhận định tình trạng này sẽ nghiêm trọng như “một cơn sóng thần”.


Trong khi đó, các cơ sở của Nhà Trắng và quốc hội sẽ vẫn mở cửa, mặc dù một số nhân viên có thể phải nghỉ phép. Bộ Ngoại giao sẽ phải tạm thời cho thôi việc các nhân sự không cần thiết. Hơn một nửa trong số 800.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng cũng sẽ chịu chung tình cảnh “ăn không ngồi rồi” và phần lớn trong số 18.000 nhân viên của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phải ngồi nhà không lương.


Trước đây, chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa hai lần, một lần bị đóng cửa 6 ngày hồi tháng 11/1995 và 21 ngày từ tháng 12/1995 đến đầu năm 1996. Trong khoảng thời gian đó, 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN