Chào đời ở Trung Quốc đại lục, qua cái tuổi “tam thập nhi lập” sang Hồng Công làm ăn sinh sống, nhưng hàng ngày ông Lý Minh Hán vẫn dõi theo những thông tin về Việt Nam. “Giờ tiện lợi lắm, chỉ cần lên mạng là chú có thể đã ở Việt Nam rồi”, ông nói.
Ông Lý Minh Hán “bén duyên” với Việt Nam từ những năm 1960. Khi đó, thay vì đăng ký học những thứ ngôn ngữ thời thượng như tiếng Anh, tiếng Nga hay tiếng Pháp, ông Lý Minh Hán đã lựa chọn tiếng Việt. Ông nhớ, thời gian đầu do chưa có giáo trình, trên lớp, thày và trò chủ yếu là học nghe và nói. Thầy Quang đến từ Việt Nam, mang tới cho ông cùng các bạn những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam và không biết tự lúc nào chúng đã ngấm vào, trở thành phần không thể thiếu trong con người ông. Tháng 9/1969, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam từ trần, ông đã bật khóc nức nở như nghe tin cha mẹ mình vừa mất. “Không biết phải giải thích thế nào cho cháu hiểu, nhưng quả thật lúc đó nước mắt cứ trào ra. Bạn bè chú cũng vậy”, ông tâm sự và những giọt lệ lại ứa ra trên khóe mắt.
Rót chén trà mời ông, để ông nhâm nhi những giây phúc cảm động, một lúc lâu sau, câu chuyện giữa tôi và ông mới có thể tiếp tục. Ông kể sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, ông cùng người bạn đời tương lai, bà Phùng Lệ Quyên, nhận quyết định về làm việc tại Nhà máy Đóng tàu Quảng Châu. Ở đó, ông đảm nhiệm vị trí phiên dịch trong phân xưởng chuyên trách việc sửa chữa tàu thuyền cho Việt Nam. Tận dụng mọi khả năng cho phép, ông cố gắng giúp sao cho những chiếc tàu của Việt Nam được nhanh chóng hoàn thành việc sửa chữa, trở về phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. Ngoài giờ, ông lại đưa anh em thuyền viên tới những nơi mà họ có thể sử dụng hiệu quả nhất những đồng trợ cấp ít ỏi của mình. Ông nhớ có lần đưa anh em thuyền viên tới một nhà máy gốm sứ mua quà lưu niệm, ông nằng nặc đòi gặp giám đốc và sau đó, các thuyền viên đã được ưu tiên mua hàng chính phẩm bằng giá phế phẩm.
Ông Lý Minh Hán giới thiệu với phóng viên TTXVN tại Hồng Công về ngôi nhà số 248 phố Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), nơi Bác Hồ tổ chức lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam. |
“Nghe chuyện này, cháu đừng hiểu nhầm nhé”, ông thật thà nói. Tôi biết ông không muốn đề cập tới khía cạnh “công lao” mà chỉ muốn bảo rằng việc gì giúp được Việt Nam là ông cố gắng hết mình như khi xưa ông sẵn sàng tâm thế để khi có lệnh là sang Việt Nam chiến đấu. Ngay cả bây giờ, lúc bước sang tuổi chiều tà xế bóng, ông vẫn tận tình giúp Việt Nam. Mỗi khi có đoàn khách Việt Nam sang, cần ông với tư cách một người tận tường Hồng Công, rành rõ những địa danh liên quan tới Hội nghị Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và việc giam giữ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Công…, ông lại mũ, áo, ba lô lên đường, lúc ít thì vài tiếng đồng hồ làm hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, khi nhiều là hàng tháng như đóng vai trò cố vấn cho đoàn làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công hay viết đại cương kịch bản phim “Vượt qua bến Thượng Hải”…
Thời gian công tác ở Quảng Châu đã giúp ông gắn bó hơn với Việt Nam. Nhưng cột mốc đáng nhớ nhất, theo ông, vẫn là lần ra mắt bố mẹ vợ tương lai tại Quảng Châu năm 1971 và nghe bố vợ tương lai (cụ Phùng Hồng, đã mất) kể về vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp vào năm 1960-1961, khi còn làm đầu bếp cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Những món ăn Quảng Đông giản dị trong bữa cơm thân mật Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi nhớ khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại Quảng Châu và Người muốn gặp người làm ra nó. Đầu bếp Phùng Hồng cảm động rơi nước mắt và kỉ niệm đó đã trở thành vinh dự cả đời không chỉ của cá nhân mà là cả gia đình.
Gặp con rể tương lai, cụ Phùng Hồng ôn lại kỉ niệm ấy và không ngờ đã truyền thêm động lực cho cậu con rể tương lai trong việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, không chỉ tìm cách giúp đỡ Việt Nam, ông Lý Minh Hán còn cố gắng sưu tầm những thông tin liên quan về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một tổ chức nào tài trợ, ông chắt chiu những đồng tiền kiếm được để mua tài liệu, để “theo dấu chân Người”, để tới đất nước đã sinh ra vị lãnh tụ vĩ đại mà ông kính yêu. Tới nay, ông đã sang thăm Việt Nam hàng chục lần và lần nào về trong hành lý cũng không thể thiếu những cuốn sách liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng đã đi đến hầu hết những địa danh gắn bó với quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, Hồng Công, gặp rất nhiều nhân chứng liên quan để có thể phác họa một cách đầy đủ hơn về vị lãnh tụ mà ông nói rằng “sự bình dị, lòng bao dung, đức hi sinh và nhãn quan của Người đã hoàn toàn chinh phục nhân tâm”.
“Chú chuẩn bị xuất bản cuốn “Giải mã về bí danh Hồ Chí Minh”, ông hồ hởi “khoe”. Ông mừng ra mặt dù việc làm các thủ tục liên quan có thể phải đợi tới cuối năm cuốn sách mới có thể ra mắt độc giả. Nhưng rồi ông lại lặng xuống, mắt rượi buồn nhìn ra khung cửa sổ đang giọt giọt mưa rơi. Ông bảo: “Địa lý đặt Trung Quốc và Việt Nam ở cạnh nhau, lịch sử khiến hai dân tộc hiểu rõ giá trị của hòa bình” và ông chỉ muốn “nhân dân hai nước Trung-Việt đời đời hữu nghị” như bút tích của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ghi tại Hà Nội tháng 11/1956 và “mối tình hữu nghị Việt-Trung mãi mãi xanh tươi” như bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi tại Bắc Kinh mùa xuân năm 1968.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)