Lễ hội “bến nước” đón xuân của người Ê Đê

Người Ê Đê có một lễ hội độc đáo vào cuối tháng Chạp. Sau ngày trăng tròn, buôn làng sắm sửa lễ cúng “bến nước”, cầu thần linh sang xuân ban cho dân làng dồi dào sức khỏe, làm ăn khá giả...

Đậm đà sắc thái nhân văn

Dân tộc Ê Đê bắt nguồn từ nhóm người Mã Lai, có mặt lâu đời ở miền Trung Việt Nam hàng ngàn năm trước, sau đó di cư lên Tây Nguyên, tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông. Người Ê Đê chọn đất định cư phải đủ các điều kiện như rộng và phẳng, có bến nước, đất làm rẫy, đất nhà mồ, rừng. Buôn thường mang tên người có công hoặc mang tên sông suối... Trong văn hóa Ê Đê luôn in đậm những hình ảnh bến nước và con thuyền, thể hiện gốc gác của dân tộc. Nhà Gươl truyền thống của người Ê Đê ngày xưa dài đến cả 100m, mô phỏng hình con thuyền, bên trong có trần gỗ giống hệt mui thuyền.

Tại bến nước, thầy cúng khấn cầu xin Giàng cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, mọi người uống nước này đều mạnh khỏe.



Lễ cúng bến nước là đặc trưng văn hóa Ê Đê. Chủ bến nước là người phát hiện ra bến nước hay vùng đất định cư của buôn làng. Chủ bến nước có quyền chia đất ở, đất làm rẫy, đất chôn cất người chết và tổ chức các lễ hội. Bến nước là “phần hồn” của các buôn làng, dù đã có nước máy để dùng trong sinh hoạt, nhưng người Ê Đê vẫn dùng nước lấy từ bến nước để chế rượu cần và thờ cúng.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Ê Đê hình thành một truyền thống tốt đẹp là trân trọng nguồn nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Họ quan niệm thời du canh du cư, nhịn ăn suốt cả tuần, nhưng vẫn sống nhờ uống nước cầm hơi. Có được một nguồn nước trong, lành thì cả buôn làng phải hết lòng gìn giữ nó.

Thanh niên, thiếu nữ tập trung về nhà Gươl để hát múa vui chơi.



Người dân Ê Đê ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết: “Tục cúng bến nước của người Êđê có từ khi hình thành các buôn làng. Cúng bến nước để các vị thần biết được nơi đó có dân làng sinh sống mà ban cho sức khỏe, làm ăn khấm khá. Hơn thế nữa bà con trong buôn luôn yêu thương nhau, sống thủy chung. Nước đối với chúng tôi quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời, nên người Ê Đê thờ thần nước như thờ Tổ tiên nhà mình vậy”.

Những ngày đầu tháng cuối năm (tháng Chạp), để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước, Già làng họp bàn với dân làng về công tác tổ chức. Sau một năm sử dụng, thanh niên trai tráng tích cực làm vệ sinh khu vực bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Tại bến nước, ba ngày trước, trai tráng dựng lên chiếc cổng bằng tre để báo cho mọi người biết sắp đến ngày tổ chức lễ cúng, không được lấy nước tại đây.

Rộn ràng lễ và hội

Theo phong tục, lễ cúng bến nước tưng bừng diễn ra trong 3 ngày: Ngày thứ nhất, sáng sớm dân trong buôn đã tập trung đông đủ tại nhà chủ bến nước. Đàn ông chuẩn bị các lễ vật, phụ nữ thì lo việc bếp núc. Các lễ vật gồm 1 con heo đực đen, 9 ché rượu cần được buộc vào các cột ở gian phòng khách ngôi nhà dài (trong đó 3 ché dùng để cúng cho chủ bến nước, 3 ché cúng cho chủ nhà và 3 ché để đãi khách). Thịt heo thái nhỏ đựng vào nia, trầu cau, gạo, cơm, xôi, thuốc bày bên các ché rượu, tiết heo có pha rượu đựng trong các chén đồng.

Nước được đổ đầy vào các ché rượu cần để mời Giàng và tổ tiên về chứng kiến buôn làng làm lễ cúng.



Đoàn người do thầy cúng dẫn đầu đi ra bến nước làm lễ. Trên tay thầy cúng cầm một tô tiết heo pha rượu, 5 chùm thịt heo thái nhỏ và một chai rượu. Già làng đi sau, tay cầm khiên, dao để bảo vệ thầy cúng. Nối bước là 5 cô gái gùi những quả bầu khô cùng 5 người con trai vác trên vai các ống nước bằng tre. Đến nơi, bày lễ vật ra, thầy cúng khấn cầu xin Giàng phù hộ cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn uống nguồn nước này đều mạnh khỏe. Khấn cầu xong, thầy cúng cầm dao chém vào dòng nước, ngụ ý đuổi cái xấu đi. Các cô gái và chàng trai mang những quả bầu khô và ống tre hứng đầy nước. Lúc trở về nhà, các cô gái, chàng trai cầm quả bầu, ống nước lần lượt đổ vào các ché rượu cần để mời Giàng và Tổ tiên về uống rượu, chứng kiến buôn làng làm lễ cúng.

Ngày thứ hai người dân trong buôn cũng tập trung tại nhà chủ bến nước. Đường vào buôn bắt đầu đặt cây chắn ngang, buộc các loại chỉ hồng, lông gà… để báo cho khách lạ biết hôm nay trong buôn làng có việc, cấm người lạ vào buôn. Đồng thời, mọi sinh hoạt của người dân trong buôn như gùi nước, chẻ củi, giặt giũ… đều bị cấm. Thầy cúng làm lễ khoảng 1 giờ, xong việc thầy cầm cần rượu trao cho Già làng uống trước, dân làng theo thứ tự phụ nữ uống trước, đàn ông uống sau. Khi đám đông giải tán, thầy cúng phát gạo, sợi chỉ hồng cho các gia đình để mang về nhà cúng riêng lẻ. Thầy còn buộc sợi chỉ hồng vào tay các thanh niên tới dự lễ. Sợi chỉ này không được tháo vì đó là vật linh thiêng phù hộ cho may mắn suốt cả năm.

Ngày thứ ba, hoàn tất nghi lễ cúng bến nước, Già làng, chủ bến nước và thầy cúng cùng ra mở cổng làng. Sau đó họ về nhà Gươl đọc lời khấn kết thúc nghi lễ. Sau đó, dân làng được đi săn, bắt cá, làm nương rẫy, sinh hoạt trở lại bình thường… Trong 3 ngày diễn ra lễ cúng bến nước, thanh niên, thiếu nữ tập trung về nhà Gươl để uống rượu và hát múa vui chơi. Các thức ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng, rượu cần được bày ra ăn uống no say.

Không đơn thuần là tín ngưỡng, lễ cúng bến nước còn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, giàu bản sắc dân tộc Ê Đê. Sau lễ hội là thời điểm bước vào mùa xuân, nhân dân trong buôn làng bắt đầu vui chơi.

Bài và ảnh: Vũ Hào

Các nhạc cụ của người Ê Đê
Các nhạc cụ của người Ê Đê

Người Ê Đê (còn gọi là Rađê) có khoảng gần 35 vạn người, cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai, miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN