Ở một mình trong căn nhà đã mối mọt, nguy hiểm nên bà Nguyễn Thị Nghĩa, 84 tuổi ở ở bản Máy Đường, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (Lai Châu) rất lo lắng. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Tam Đường, Dự án hồ thủy lợi và nuôi trồng thủy sản Cò Lá được phê duyệt đầu năm 2014, trên tổng diện tích 8ha và triển khai thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 có tổng nguồn vốn 29 tỷ đồng san gạt mặt bằng sắp xếp khu tái định cư, đường vào, tuyến đường dạo ven hồ… Giai đoạn 2 sẽ triển khai thi công xây dựng lòng hồ và các hạng mục liên quan khác.
Trong khuôn khổ dự án, 45 hộ dân với 145 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giai đoạn 1 mới hoàn thành giải tỏa, đền bù và sắp xếp tái định cư cho 34 hộ, còn 11 hộ nằm ở khu vực lòng hồ vẫn chưa được giải tỏa, bởi không nằm trong kế hoạch giai đoạn 1.
Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Giai đoạn 2 dự án chưa được phê duyệt nên huyện không có tiền để chi trả đền bù. Các hộ dân làm nhà đã lâu nên đã xuống cấp, mưa gió rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Chính quyền huyện đã kiểm kê tài sản để có cơ sở sau này đền bù, khẩn trương cấp đất để các hộ tự nguyện chuyển trước, khi có kinh phí sẽ chi trả sau.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, 86 tuổi, đang sống trong căn nhà cấp 4 lụp sụp, tường phên đất, khung gỗ đã bị mối mọt ở bản Máy Đường, cho hay, ngôi nhà được làm từ 2003, hiện đã hư hỏng, nhưng không dám sửa chữa, mong chính quyền quan tâm sớm đền bù để có tiền chuyển lên chỗ mới dựng nhà.
Căn nhà cấp 4, khung gỗ, tường trét đất sét của bà Vũ Thị Rơi, 68 tuổi ở bản Máy Đường cũng bị mối mọt khắp nơi. Để chống chọi với mưa, nắng, gia đình phải dùng hàng chục cây cột để rào chống, gia cố cả trong lẫn ngoài.
Bà Rơi cho biết, nhà được làm từ năm 1986, gia đình phải đợi hết năm này qua năm khác, nay nhà sắp sập mà vẫn chưa được tái định cư. Chính quyền tiến hành đo đạc, kiểm đếm từ năm 2004. Năm 2012, mưa gió, cây đổ vào nhà nhưng cũng chỉ dùng cây chống đỡ, không dám sửa chữa.
"Chính quyền bảo lên chỗ đất cấp để dựng nhà ở, khi nào có tiền sẽ nhận đền bù sau, nhưng người dân không tiền để chuyển. Mỗi khi có mưa gió, cả gia đình lại dồn vào một góc", bà Rơi cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, con dâu của bà Rơi vẫn xót xa vì mất đứa con khi còn trong bụng mẹ. Theo chị Thu, nhà thấp hơn đường khoảng 3 mét, đường đất trơn trượt nên đã bị ngã xe và sẩy thai. Lần có thai tiếp theo, để bảo đảm an toàn, gia đình phải viết đơn xin phép để đổ tạm ngõ bê tông nhỏ 50 cm.
Nằm trong diện chờ tái định cư, nhưng lo lắng mưa kéo dài, nhà sập nên bà Nguyễn Thị Dung, 71 tuổi ở bản Máy Đường phải vay mượn tiền của họ hàng để lên vị trí đất cấp dựng nhà ở. Nơi ở cũ chỉ chăn nuôi lợn, gà. Gia đình bà Dung băn khoăn không biết bao giờ mới được nhận tiền đền bù để trả nợ.
Theo ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, do mưa kéo dài nên chưa thể di dời số hộ này được. Mùa mưa kết thúc, huyện Tam Đường sẽ cân đối ngân sách, cho các hộ ứng tạm tiền để chuyển nhà. Khi nào dự án được tỉnh phê duyệt giai đoạn 2, có tiền, huyện mới tiến hành chi trả đền bù.
Ở Lai Châu, mưa kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay, nhà của các hộ dân tạm bợ và đã bị mối mọt, nguy cơ sập nhà rất cao. Điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền đền bù, người dân không thể dựng nhà trên đất được cấp. Người dân ở đây đang phải gồng mình, chờ từng ngày để đền bù, tái định cư và ổn định đời sống.