Ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có trên 97% dân số là người dân tộc Khmer. Đặc biệt ở vùng quê này, người dân đã tự đào kênh dẫn nước ngọt về tưới tiêu và đặt tên là kênh Bác Hồ. Từ ngày được “khai thủy”, kênh đã đưa dòng nước ngọt từ sông Tắc Ráng về, mang lại sự màu mỡ, trù phú cho vùng đất này. Người dân nơi đây đặt tên là kênh Bác Hồ, vừa để ghi nhớ công ơn của Bác, vừa nhắc nhở, động viên nhau nâng cao ý thức trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục con cháu cố gắng học tập để trở thành người tốt, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Ông Danh Vẹn, ngụ tổ 5, ấp Thạnh Bình, cho biết: Trước kia bà con ở đây khó khăn lắm, cả cánh đồng chỉ làm được lúa 1 vụ. Ngày 19/5/1977, nhân dịp sinh nhật Bác, chính quyền địa phương vận động nhân dân khởi công đào con kênh thủy lợi dài 3 km dẫn nước ngọt từ sông Tắc Ráng về để làm lúa 2 vụ. Đến nay, cánh đồng này trồng lúa đạt năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha. Ngoài lúa, bà con còn áp dụng mô hình trồng màu, chăn nuôi lợn, nuôi cá… Nhờ vậy, đời sống người dân dần khá lên. Các hộ nghèo trong ấp đều được hỗ trợ xây nhà theo chương trình 134.
Nông dân dân tộc Khmer ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, xóa vườn tạp trồng màu góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. |
Điều dễ nhận thấy ở Thạnh Bình hôm nay là các con lộ được bê tông hóa, hai bên đường rợp bóng cây xanh, nhà tường, mái tôn mọc lên. Trước đây, đa số hộ dân tộc Khmer trong ấp đều thuộc diện hộ nghèo, do đông con, thiếu đất sản xuất và không có việc làm ổn định. Từ khi triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất, đời sống của bà con có sự thay đổi rõ nét. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Khmer đã ý thức chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ có mức thu nhập vài chục triệu đồng/năm từ việc sản xuất lúa 2 vụ kết hợp với trồng hoa màu và chăn nuôi. Nhờ trồng rau màu, hiện nay không ít hộ xóa được nghèo và vươn lên làm giàu.
Cùng với việc hỗ trợ nhà ở, đất ở để bà con ổn định cuộc sống, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là các chương trình 134, 135 của Chính phủ… đã giúp đồng bào dân tộc Khmer ở đây có điều kiện vươn lên. Đến nay, hầu hết các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào Khmer ở Thạnh Lộc được giải quyết về nhà ở. Lưới điện quốc gia phục vụ thắp sáng, đường bê tông nối liền về trung tâm xã được đầu tư xây dựng, nhiều dự án cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Ngoài việc hỗ trợ đời sống cho bà con thông qua các chương trình, chính sách an sinh xã hội, xã Thạnh Lộc còn quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương củng cố các tổ chức đoàn thể, vận động người dân tham gia. Qua đó, xây dựng mô hình sản xuất như trồng màu xen lúa kết hợp nuôi cá đồng, thành lập tổ hùn vốn, nuôi lợn tiết kiệm, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ có hiệu quả cho người dân nơi đây. Ông Danh Dên, Bí thư Chi bộ-Trưởng ấp Thạnh Bình, cho biết: Mặc dù chưa thật sự đầy đủ, nhưng nhìn chung, đời sống của nhiều gia đình người dân tộc Khmer trong ấp đã có sự phát triển, số hộ nghèo ngày càng giảm, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học.
Theo kết quả điều tra mới đây, toàn xã Thạnh Lộc hiện có 133 hộ đồng bào dân tộc Khmer giàu (chiếm 8,8%), 651 hộ khá (chiếm 43,2%), 664 hộ trung bình và 56 hộ nghèo (chiếm 3,7%), riêng ấp Thạnh Bình có 84 hộ giàu, 342 hộ khá. Tỷ lệ huy động trẻ em dân tộc đến trường đạt 98%. Con em đi học được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về sách vở. Nhiều hộ mua sắm được phương tiện nghe nhìn, xe gắn máy, vỏ lãi phục vụ việc đi lại. Đây thật sự là một chuyển biến đáng kể về đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở vùng quê này. Ông Danh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, bộc bạch: So với 4-5 năm về trước, đời sống đồng bào dân tộc Khmer nơi đây đã ổn định rất nhiều. Thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con đã nêu cao ý thức trong lao động sản xuất, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, cần kiệm để tích lũy.
Bài và ảnh: Lê Sen