Vùng Tây Bắc là địa bàn sinh sống của hơn 11 triệu dân, trong đó trên 63% là đồng bào của hơn 30 dân tộc ít người. Do vậy, phát triển bền vững vùng Tây Bắc không chỉ có ý nghĩa là đảm bảo đời sống của gần 20% dân số cả nước, mà quan trọng hơn là còn trực tiếp góp phần thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Cá hồi phát triển tốt trong điều kiện nước lạnh ở Sa Pa. Ảnh: huy hùng - TTXVN |
Ông Đinh Văn Cương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, cho biết: Tây Bắc có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về rừng và đất rừng, tài nguyên thiên nhiên, con người… nhưng việc khai thác còn hạn chế, nên Tây Bắc vẫn còn khó khăn. Những năm qua, việc áp dụng khoa học công nghệ đã có nhiều tiến bộ nhất định. Trong trồng cây công nghiệp đã ứng dụng nhiều giống mới cho năng suất cao như cà phê, chè, keo lai… Cây cao su tuy mới phát triển, nhưng cũng đã lựa chọn được những giống phù hợp với khí hậu trong vùng. Trong chăn nuôi thủy sản, đã đưa những vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao vào thử nghiệm và đã thành công như cá tầm, cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đường (Lai Châu)… góp phần cải thiện đời sống nhân dân, mở ra hướng mới cho các địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên việc nghiên cứu cây, con đặc sản của cả vùng vẫn còn hạn chế. Nguồn lực để thực hiện việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) còn hạn chế. Việc tiếp thu khoa học kỹ thuật của người dân cũng còn nhiều bất cập do dân trí thấp. Từ trước đến nay đã có nhiều nghiên cứu khoa học, các dự án điều tra cơ bản hoặc chuyển giao công nghệ, được triển khai trên địa bàn vùng Tây Bắc hoặc có liên quan đến Tây Bắc. Tuy nhiên, đa số các đề tài, dự án đều ở quy mô nhỏ lẻ, rời rạc, đơn ngành. Vì vậy, năng lực ứng dụng, chuyển giao còn thấp, chưa thể trở thành bệ đỡ tri thức – công nghệ - văn hóa – xã hội trực tiếp cho quá trình phát triển bền vững cho cả vùng.
Với quan điểm coi sự phát triển KHCN, giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đã triển khai thành công nhiều chương trình KHCN cấp quốc gia, trong đó có những chương trình “nền” trên phạm vi cả nước và cả những chương trình tổng hợp, liên ngành về các khu vực nông thôn, biển đảo, biến đổi khí hậu hay về các vùng trọng điểm. Theo GS Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia, đến nay chưa có một chương trình nghiên cứu tổng thể toàn diện về vùng Tây Bắc với tầm nhìn chiến lược mang tính đột phá, tiếp cận và giải quyết các vấn đề của vùng theo quan điểm phát triển bền vững, liên ngành, liên lĩnh vực, tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng trong chiến lược phát triển của đất nước và chủ trương của Bộ Chính trị, thể hiện ở Nghị quyết 37-NQ/TW. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc những bài toán phát triển của vùng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng, làm cho những khó khăn, vướng mắc tiếp tục tồn tại và gây ra những vấn đề phức tạp.
Do đó, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và một số cơ sở nghiên cứu và đào tạo chủ chốt trong nước đã đề xuất nghiên cứu xây dựng chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước với tên gọi “KHCN và đào tạo phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2012-2016, với nguồn kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận, đề xuất hệ thống các giải pháp KHCN và triển khai xây dựng, chuyển giao một số mô hình tiêu biểu về phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Trên cơ sở đó, chương trình sẽ xây dựng hệ thống thông tin và bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các công cụ khai thác kèm theo phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Nghiên cứu để đề xuất bổ sung và hoàn thiện cơ sở lý luận và mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc và các vùng địa chính trị - kinh tế - sinh thái, các cơ chế, chính sách cùng hệ thống các giải pháp KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời phát triển, ứng dụng và chuyển giao một số hệ thống công nghệ tiên tiến và thích hợp cho các doanh nghiệp có mô hình phát triển bền vững nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực. Xây dựng, thử nghiệm và chuyển giao một số mô hình phát triển bền vững trên cơ sở tích hợp, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ tiên tiến và phù hợp. Xây dựng, ứng dụng và chuyển giao một số mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, phát triển các kỹ năng, nâng cao nhận thức và năng lực tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và dần phát triển các công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Nguyễn Viết Tôn