“Khèn bầu 6 ống” của người Ê Đê

Trong số các nhạc cụ của người Ê đê, Đinh Năm (còn gọi khèn bầu 6 ống), là nhạc cụ có cấu tạo phức tạp và khả năng diễn tấu phong phú.

Gọi Đinh Năm là “khèn bầu 6 ống”, bởi loại nhạc cụ họ hơi (sáo) khá phổ biến trong cộng đồng một số dân tộc ở Tây Nguyên này được cấu tạo bởi 6 ống nứa dài ngắn khác nhau, kết thành 2 bè (mỗi bè 3 ống), đường kính mỗi ống từ 1,5 - hơn 2 cm. Một đầu các ống nứa có mắt bịt kín, đầu kia cắm xuyên qua vỏ trái bầu khô, mối nối được hàn kín bởi sáp ong ruồi, phần xuyên qua để lộ 6 đầu ống. Thân các ống nứa có lỗ thoát âm và lỗ để điều chỉnh âm thanh, để người thổi bấm ngón tay, kết hợp hơi thổi ra, phát thành các âm thanh trầm bổng: đồ - rê - mi- pha- son - la… Người thổi ngậm miệng vào đầu cuống của quả bầu (cũng nạo rỗng) và thổi. Với cấu tạo và cách sử dụng này, Đinh Năm còn được gọi là “sáo”. Âm thanh của Đinh Năm lúc trầm lúc bổng, vang vọng, thiết tha, mang âm hưởng trầm buồn và cả nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ama Loan trình diễn nhạc cụ Đinh Năm hòa cùng tiếng hát Ayray của các nghệ nhân Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ama Loan, buôn Cô Thôn, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk kể về sự tích của nhạc cụ Đinh Năm: Một gia đình người Ê Đê có 6 người con. Các con lớn lên, đi làm ăn xa, chỉ có cha mẹ ở nhà. Người cha thương nhớ các con, bèn cắt 6 ống trúc, độ dài ngắn tương ứng với các thứ tự: con cả, con thứ hai, con thứ ba, con thứ tư, con thứ năm và em út. Các ống nứa này cắm vào vỏ bầu như lòng người mẹ. Những khi nhớ các con, người cha đem nhạc cụ này ra thổi, vuốt ve những ống sáo. Các ống sáo cất lên tiếng trầm như của người con cả, tiếng trong vắt cao cao như của người con út…, như các con vẫn đang quây quần quanh cha mẹ. Tên gọi Đinh Năm cũng từ sự tích này (tiếng Ê Đê, “Đinh Năm” là sáo 6 ống - mỗi ống nứa tương ứng với một con số: 1- sa, 2 - đoa, 3 - trau, 4 - pạ, 5- êma, 6 - năm).

Đinh Năm được cấu tạo bởi 6 ống sáo kết nối với vỏ bầu khô, gắn với sự tích về 6 người con trong gia đình.

Nghệ nhân Ama Loan cũng cho biết một sự tích về nhạc cụ này: Xưa kia có một người đàn ông đi rừng, vừa đi vừa thổi Đinh Năm. Chàng say sưa thổi mà không để ý phía sau có người con gái lạ, vì mê tiếng khèn mà đi theo miết, cất tiếng hát phụ họa. Có người hưởng ứng, người đàn ông càng say sưa thổi khèn, đến nỗi bước hụt, bị va đầu vào cây rừng. Người nhà của cô gái biết chuyện, phạt vạ chàng một con heo nặng. Lúc người đàn ông về nhà, vợ của anh ta thấy vết thương trên đầu, và biết chồng bị phạt vạ thì tức giận, từ đó không cho chồng thổi Đinh Năm khi đi một mình. Cũng vì lý do đó, mà Đinh Năm thường được đàn ông Ê Đê thổi khi có mặt vợ - người hát Ayray. Điệu hát này thường hát ngoài trời, trong các lễ hội cúng bến nước, cầu mưa, mừng lúa mới, lên nhà mới, cúng bỏ mả, tang lễ. Vì thường biểu diễn cùng hát Ayray trong tang lễ, nên Đinh Năm không được thổi trong nhà (lý do kiêng kỵ).

Nhà dài của người Ê đê.

Do có cấu tạo phức tạp, nên việc chế tác các Đinh Năm khá khó khăn. Hiện nay, theo các già làng người Ê Đê, không còn nhiều người biết cách làm loại nhạc cụ này.
T.H
Các nhạc cụ của người Ê Đê
Các nhạc cụ của người Ê Đê

Người Ê Đê (còn gọi là Rađê) có khoảng gần 35 vạn người, cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai, miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN