Khắc khoải 'sa mạc' trên núi

Nằm ở độ cao gần 2.000 m, được bao bọc bởi núi đá, vực sâu nên xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, thiếu nước năm quanh. Để giải “khát” cho vùng đất ví như “sa mạc” trên núi này, Dự án thí điểm dùng túi nước bằng màng chống thấm HDPE tích nước mưa đã được triển khai; tuy nhiên, do dự án triển khai không đảm bảo kỹ thuật nên người dân nơi đây vẫn rất “khát” nước.

 

Bài 1: Nhọc nhằn chờ mưa

 

Nhiều năm nay, người dân xã Tả Gia Khâu vẫn phải đối mặt với tình trạng khô, khát triền miên. Mọi hoạt động trong cuộc sống, nhất là việc trồng trọt của bà con đều trông chờ vào nguồn nước mưa.


Đốt đuốc đi làm ruộng


Xã Tả Gia Khâu có gần 3.000 khẩu, gồm 5 dân tộc sống xen kẽ là Thu Lao, Mông, Phù Lá, Nùng, Tu Dí. Trong đó, dân tộc Thu Lao đông nhất với hơn 700 người. Tất cả 12 thôn bản của xã Tả Gia Khâu đều thiếu đất, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt.


Tranh thủ mưa xuân trồng ngô ở Tả Gia Khâu.


Ông Cao Sơn Phà, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu, cho biết: “Sống ở trên đỉnh núi, xung quanh là đá nên nước sinh hoạt và gieo trồng của bà con đều trông đợi vào nước mưa, trời mưa sớm thì được cấy sớm, còn năm nào mưa muộn thì cấy muộn. Hiện nay, xã chỉ có khoảng 39 ha là có thể trồng lúa nước, 300 ha đất còn lại là để trồng ngô - nguồn lương thực chính của người dân Tả Gia Khâu bao đời nay”.


Trước đây, trụ sở UBND, trạm xá, trường học và Đồn biên phòng 231 đều đặt ở thôn Tả Gia Khâu; nhưng do thiếu nước nên trụ sở của những đơn vị này đều phải di chuyển xuống nơi có nguồn nước là thôn Pạc Tà, cách đó hơn 3 km. Cả thôn Tả Gia Khâu không có lấy một mạch nước ngầm nào. Quanh năm mấy chục hộ dân chỉ trông vào nước trời. Sản xuất năm được năm mất vì người dân không chủ động được nguồn nước tưới tiêu.


Phó Chủ tịch Cao Sơn Phà cho biết thêm: “Ở đây, chỉ trông vào nước trời thôi, hôm nào mưa thì nhà nhà, từ già đến trẻ đều phải ra ruộng. Có nhiều đêm trời bỗng đổ mưa, thế là cả thôn thức đậy thắp đuốc đi làm ruộng. Bà con ở đây thường phải gieo mạ hai lần trên nương; nếu gieo mạ thuận lợi thì được cấy, nếu trời chưa mưa, mạ già phải bỏ để gieo đợt mới”.


Giặt quần áo bằng nước đọng


Tại thôn Tả Gia Khâu, nhà nào cũng có cả dãy dài những chiếc lu cao quá đầu người, làm bằng xi măng do UNICEF tài trợ từ năm 2006, dùng để hứng nước mưa từ mái nhà. Trước đây, nhà lợp cỏ, nước đen như nước bồ hóng, nhưng cũng phải dùng. Còn bây giờ nhà lợp prôximăng, nước trong hơn.


Nhìn vào 6 cái lu đựng nước của nhà chị Hảng Thị Cu, thì chỉ duy nhất một lu là có nước, nhưng cũng đã sắp cạn; trong khi đó, phải chờ 4 tháng nữa mới tới mùa mưa. Chị Hảng Thị Cu cho biết: “Mùa mưa chỉ thực sự đến với vùng cao từ tháng 6 và đến đầu tháng 9 thì kết thúc, thời gian còn lại là mùa khô. Hết nước ăn, bà con phải xuống tận hồ, cách thôn hơn 3 km, để thồ nước về dùng. Còn chuyện tắm rửa, chẳng có cách nào khác là đi bộ, hoặc đi xe máy xuống sông Xanh nằm xa dưới chân thung lũng. Thiếu nước, nhiều bà con phải tận dụng cả nước đọng ở cống để giặt quần áo”.


Thiếu nước trầm trọng nên việc sinh hoạt, học tập của học sinh cũng rất chật vật, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cả thầy và trò. Ông Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Gia Khâu, cho biết: “Đồng bào ở đây rất khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống nói gì đến việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh cho con cái. Bởi vậy, ngoài dạy chữ, các thầy, cô giáo nơi đây còn phải hướng dẫn cho các em tự chăm sóc bản thân… Nhưng nước để nấu ăn trưa cho các em còn thiếu thì lấy đâu ra nước để giữ vệ sinh sạch sẽ”.


Cách thôn Tả Gia Khâu 3 km không có nguồn nước nào để có thể lấy về phục vụ cho hoạt động sinh hoạt của học sinh và giáo viên nhà trường. Vì vậy, thầy cô giáo và học sinh phải nơi đây khắc phục bằng cách đào hố chứa nước, hoặc tận dụng nước trong bể ngầm cũ của đồn biên phòng, chứa nước vào những téc nước lớn để sử dụng cho cả năm học.


Một số thầy cô giáo cũng cho biết, trừ những sinh hoạt hàng ngày phải dùng tới nước thì tất cả đều phải thực hiện việc tiết kiệm nước triệt để; dịp cuối tuần, các thầy cô đều phải mang chăn màn, quần áo về nhà giặt. Chiều chủ nhật, khi quay trở về trường dạy học, hành trang của họ là những bộ quần áo đã giặt thơm tho để mặc trong cả tuần và sau xe, lúc nào cũng chở thêm hai can nước sạch.


Những khó khăn trên vùng đất khát Tả Gia Khâu đã được người dân, các thầy cô giáo đón nhận như một thực tế, một thách thức cần phải đối mặt. Họ sẵn sàng chia sẻ cùng nhau từng ca nước đánh răng, rửa mặt buổi sáng, từng chậu nước mưa để nấu ăn hàng ngày. Bởi vậy, sớm có nước sạch là niềm mong mỏi chung của tất cả người dân đang sinh sống ở “sa mạc” Tả Gia Khâu.


Bài và ảnh: Minh Phúc

 

Bài cuối: Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN