Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết: Năm 2010, toàn tỉnh có 9.870 hộ đồng bào dân tộc Khmer thiếu đất và không có đất sản xuất. Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đất sản xuất và những chương trình dự án khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, tỉnh đã giải quyết cho hơn 2.000 hộ dân tộc Khmer có đất sản xuất; hỗ trợ cho vay đối với những hộ không đất sản xuất để chuyển đổi ngành nghề; giải quyết việc làm cho trên 10.180 lao động, với tổng kinh phí thực hiện hơn 60 tỷ đồng.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, năng suất và chất lượng cây lúa của tỉnh Kiên Giang đạt cao hơn. Ảnh: T.Chánh |
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7.870 hộ đồng bào dân tộc Khmer thiếu hoặc không có đất sản xuất. Nguyên nhân là do diện tích đất sản xuất nông nghiệp của phần lớn hộ dân quá ít; đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn, nên nhiều gia đình phải sang, bán dần đất sản xuất hoặc cầm cố, không có khả năng chuộc lại đất, dẫn đến thiếu đất, không đất sản xuất và sống bằng nghề làm thuê mướn. Vì vậy, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất gặp nhiều khó khăn, vì chủ yếu là giải quyết cho các hộ cầm cố chuộc lại đất để sản xuất. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đất sản xuất cũng khó thực hiện vì nhiều địa phương trong tỉnh không có quỹ đất công, giá đất thực tế chênh lệch rất cao so với chính sách hỗ trợ…
Nhiều hộ đồng bào Khmer đã có đất sản xuất, thoát khỏi cảnh làm thuê. Ảnh: Trường Giang |
Để tháo gỡ khó khăn, Kiên Giang chú trọng hỗ trợ giải quyết cho các hộ dân đã cầm cố đất đai chuộc lại đất để sản xuất; rà soát, sắp xếp lại đất nông trường, lâm trường; thu hồi đất của các tổ chức, doanh nghiệp thuê mướn nhưng khai thác sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai, kết hợp cải tạo, khai phá những vùng đất còn hoang hóa, nhằm tạo nguồn quỹ đất công, giao cho địa phương quản lý, xem xét giải quyết cho hộ dân không đất sản xuất.
Hỗ trợ đất sản xuất để đồng bào thoát nghèo. Ảnh: Lê Huy Hải |
Cùng với đó, tỉnh tập trung đào tạo nghề lao động nông thôn lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp; chú trọng dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hộ dân không có đất sản xuất, học nghề tập trung vào các trình độ cao đẳng, trung cấp tìm việc làm ổn định ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, ổn định đời sống.