Hiện giá trái cây ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng mạnh, đặc biệt những loại tiêu dùng phổ biến như: thanh long, bưởi, cam... đã góp phần giúp nhà vườn tăng thu nhập.
Giá tăng mạnh
Khảo sát của phóng viên, tại các tỉnh trọng điểm về trồng cây ăn trái như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… các loại bưởi da xanh, bưởi đường tăng trung bình từ 5.000 - 10.000 đồng/kg và đang giữ giá ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng các loại bưởi có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng thì có giá bán cao hơn như bưởi Năm Roi là 36.000 đồng/kg, bưởi da xanh gần 60.000 đồng/kg… Những loại trái cây khác như cam sành, thanh long, nhãn, sầu riêng… cũng có mức tăng giá tương đương 15 - 30% so với tháng 3/2013. “Do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh nên năm nay sản lượng trái cây giảm so với mọi năm khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, với giá cả như hiện nay, những hộ trồng cây ăn trái đã có thu nhập khấm khá hơn nhiều so với mọi năm”, anh Hùng ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) phấn khởi cho biết.
Giá trái cây tăng vọt đã giúp nhiều nhà nông gia tăng lợi nhuận. |
Có thể nói, năm nay, giá cả các loại trái cây đều tăng mạnh sau Tết, đây là diễn biến trái với quy luật hàng năm. Những điểm bán lẻ ở các chợ truyền thống hoặc cửa hàng giá trái cây tăng phổ biến từ 25 - 30%. Tại chợ Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (Tân Bình)… hiện giá dưa hấu đã tăng thêm 4.000 đồng/kg, có giá 16.000 đồng/kg; cam sành loại lấy nước từ 21.000 đồng/kg tăng lên 29.000 đồng/kg; thanh long từ 30.000 đồng lên 38.000 đồng/kg…
Tại những chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nguồn trái cây để phân phối lại cho người buôn bán nhỏ lẻ cũng giảm mạnh. Không chỉ trái cây của các tỉnh ĐBSCL khan hiếm mà nguồn trái cây nhập khẩu như: lê, táo, nho… về chợ giảm hẳn nên đã góp phần đẩy giá lên cao. Trong khi nguồn cung giảm thì nhu cầu tiêu thụ trái cây lại tăng cao. Nhiều tiểu thương tại đây cho biết, do thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ trái cây để giải nhiệt của người dân tăng đột biến.
Giảm sản lượng do sâu bệnh
Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam đạt kỷ lục về giá trị xuất khẩu rau củ quả với kim ngạch cán mốc gần 800 triệu USD, tăng khoảng 30% so với năm 2011, trong đó các loại trái cây như: thanh long, bưởi… rất được bạn hàng ưa chuộng. Chỉ tính 2 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 146 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ đã góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ trái cây trên thị trường nội địa. Đặc biệt, những thị trường truyền thống nhập khẩu rau quả của Việt Nam đều tăng mạnh lượng nhập khẩu. Cụ thể: Hoa Kỳ tăng 142%, Thái Lan tăng hơn 142%, Trung Quốc tăng gần 123%; Nga tăng 122%... “Chúng tôi đang nhận rất nhiều đơn hàng từ các đối tác nước ngoài nhưng vẫn không dám ký hợp đồng do lo ngại biến động giá trong nước. Hiện các loại trái cây Việt Nam được thị trường ngoài nước ưa chuộng vẫn là thanh long, bưởi…”, chị Thu, chủ một doanh nghiệp thu gom trái cây xuất khẩu ở quận 5 (TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Trong khi nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tăng mạnh thì tại nhiều nhà vườn ở các tỉnh ĐBSCL, nhà nông đang tiếc vì không đủ lượng trái cây cung ứng thị trường. Tình trạng sâu bệnh diễn biến phức tạp trên cây ăn trái cũng là nguyên nhân chính gây giảm nguồn cung trái cây. Chỉ mới xuất hiện khoảng 2 năm gần đây, tính toán sơ bộ của ngành chức năng, loại sâu hồng đã làm cho gần 10.000 ha những loại trái cây có múi như bưởi, cam… bị tàn phá với tổng thiệt hại ước lên đến hàng trăm tỉ đồng. Rất nhiều vườn bưởi ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long… đang gần đến thời điểm thu hoạch còn bị sâu ăn rụng hết quả. Số lượng quả ít ỏi còn lại cũng không bán được do cũng bị sâu ăn từ bên trong.
“Điều đáng quan tâm, hiện vẫn chưa có loại thuốc đặc trị loại sâu bệnh này và nhà vườn vẫn chỉ áp dụng biện pháp thủ công như dùng bao nilon bọc khi trái cây bước sang tháng thứ 2. Nếu cứ tình trạng như thế này, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng trái cây toàn vùng”, anh Hùng than thở.
Lê Nghĩa