Năm 2016, với diện tích giao khoán, chăm sóc và bảo vệ gần 15.000 ha rừng, huyện Mường Khương đã hoàn thành kế hoạch được giao. Bên cạnh bảo vệ rừng, năm nay Mường Khương còn được tỉnh giao trồng mới gần 500 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đến nay, đã hoàn thành 80% chỉ tiêu diện tích trồng mới rừng phòng hộ; rừng sản xuất đã trồng đạt 90%, huyện phấn đấu đầu tháng 12 sẽ hoàn thành kế hoạch được giao. Diện tích rừng trồng mới chủ yếu là cây sa mộc, cây mỡ, cây hồi - những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, nên sinh trưởng, phát triển tốt.
Đồng bào chăm sóc rừng trồng. |
Để có được kết quả trên, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ huyện... luôn nắm chắc tình hình thực tế, kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo huyện chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, phân cấp quản lý cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của các cấp trong việc triển khai thực hiện dự án trồng rừng trên địa bàn.
Đến thôn Cán Hồ, xã Lùng Vai, những triền đồi xanh mướt cây sa mộc, cây mỡ chừng 3, 4 tuổi, cao hơn 3, 4 m, tỏa cành lá khép tán, phủ xanh đất cằn cỗi, với độ dốc lớn. Anh Vương Văn Trường, chủ nhân của 1,6 ha rừng, cho biết: Trước đây, nơi này là những quả đồi trơ trọc, hoang hóa, chỉ có lau lách và cỏ bụi. Bà con người Giáy đã phát dọn để trồng lúa, ngô, nhưng khi đất bạc màu, nghèo kiệt thì năng suất ngô lúa cũng giảm theo, nên thiếu ăn, phải đi làm thuê, làm mướn mới đủ ăn. Từ năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ gạo để trồng rừng, cuộc sống gia đình anh Trường đã đổi khác, không còn lo thiếu ăn, không phải đi làm thuê vất vả.
Anh Vương Văn Trường có thu nhập ổn định nhờ trồng rừng. |
Anh Trường được Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cấp cây giống sa mộc và hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, nhờ đó tỷ lệ cây sống cao, hơn 90%. Anh Trường cho biết: Điều yên tâm nhất của gia đình là được Nhà nước hỗ trợ gạo trong thời gian trồng rừng, không lo đói, nên sẵn sàng chuyển đổi nương rẫy nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế để phủ xanh đất trống, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững.
Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, cũng có những khó khăn tác động, ảnh hưởng đến công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Chính vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền bằng hình thức "cầm tay chỉ việc", "mưa dầm thấm lâu" để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả. Công tác lập kế hoạch, hồ sơ thiết kế, gieo ươm cây giống, thi công các hạng mục đầu tư hằng năm đều được huyện kiểm tra, đánh giá chất lượng theo đúng quy hoạch và quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm phân công cán bộ bám sát thực tế, chỉ đạo các hộ nhận khoán thực hiện tốt quy trình kỹ thuật bảo vệ, phát triển rừng; thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đến nhân dân trên địa bàn.