Đồng bào Ba Na đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Năm 2016, xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2011- 2016.

Một trong những trạm biến áp điện của bà con người Ba Na xã Glar, huyện Đăk Đoa kéo về phục vụ sản xuất.

Khi áp dụng chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020, xã còn 3 tiêu chí chưa đạt là: Tiêu chí số 5 (trường học), tiêu chí 15 (y tế) và tiêu chí 18 (hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật).

Xã đang tập trung hoàn thiện 3 tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018. Các tiêu chí đã đạt là nhờ sự đóng góp rất lớn của cộng đồng 9.000 người Ba Na (gần 100% dân số) sinh sống trên địa bàn xã.

Chủ tịch UBND xã Glar Nguyễn Kim Anh cho biết: Người Ba Na trên địa bàn xã có cách làm nông thôn mới rất hiệu quả. Họ không chờ kinh phí Nhà nước mà tự nguyện hiến đất mở đường, đóng góp ngày công, tiền để làm đường bê tông, trạm biến áp, xây nhà văn hóa, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế… Ngoài ra, người dân còn tập trung sản xuất trên đất chung của làng, lấy tiền gây quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, xã Glar đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2011-2016, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khoảng 88,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 59 tỷ đồng, chiếm 66%. Xã Glar đã nhựa hóa, bê tông hóa 17 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 7 trạm biến áp. Xã không còn nhà tạm, dột nát, chỉ còn 100 hộ nghèo trên tổng số gần 2.000 hộ dân... Kết quả trên là nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động của người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Năm 2017, bà con đóng góp trên 3 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công để làm mới thêm 3 km đường bê tông liên thôn, 2 km đường nội đồng, làm nhà văn hóa xã…Nhân dân trong xã đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó năng suất và sản lượng tăng cao, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Việc tự nguyện đóng góp tiền, công sức của từng hộ dân thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao trong các thôn, làng người Ba Na.

Anh Chưp - Trưởng thôn Dôr 2, xã Glar cho biết, khi chính quyền vận động người dân xây dựng nông thôn mới, bà con ai cũng phấn khởi, nhiệt tình tham gia. Người dân ý thức được rằng, xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ... Nhờ vậy, khi vận động đóng góp xây dựng nông thôn mới ở xã Glar rất thuận lợi.

Những căn nhà khang trang của người dân tộc Ba Na tại xã Glar, huyện Đăk Đoa ngày một nhiều lên.

Hiện 10/10 thôn, làng trên địa bàn có Nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, những công trình này đều do người dân tộc thiểu số trong xã tập trung xây dựng. Chính quyền xã đã phối hợp với các mục sư trên địa bàn tuyên truyền cho đồng bào thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. Nhờ vậy, hiện nay, 80% dân số  của xã tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, góp phần giúp địa phương đạt tiêu chí này ngay từ đầu năm 2018, ông Nguyễn Kim Anh - Chủ tịch UBND xã Glar cho biết thêm.


100% thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Glar hôm nay vẫn giữ được các nếp văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Ba Na. Xã duy trì được một hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm, tạo việc làm cho hơn  250 xã viên, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây cũng là điểm nhấn về bảo tồn văn hóa truyền thống của xã Glar.

Glar đang chuyển mình đón Xuân Mậu Tuất 2018, hoa cà phê trắng xóa trên các sườn đồi báo hiệu một mùa Xuân sung túc, đủ đầy. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, rực rỡ sắc hoa, điện chiếu sáng đến từng thôn làng. Đâu đâu cũng có tiếng nói cười rộn ràng. Các gia đình quây quần bên bếp than hồng ngồi đợi bánh chưng, nướng cơm lam. Từng nhóm thanh niên tập trung đàn hát, hàn huyên chuyện trò. Bà con người Ba Na của xã Glar năm nay ăn Tết vui hơn vì nông sản được mùa, được giá.

Việc làm thiết thực, những hành động cụ thể của cộng đồng người Ba Na ở xã Glar là một trong những điển hình về thực hiện mô hình "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới", góp phần phát triển quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Lễ mừng nhà mới của người Ba Na
Lễ mừng nhà mới của người Ba Na

Đồng bào Ba Na ở xã Tơ Tung, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai quan niệm, nhà ở là nơi vô cùng linh thiêng, vì nhà được làm bằng gỗ, mà gỗ có nguồn gốc từ cây cối trong rừng, là nơi trú ngụ của các vị thần… Nhà cũng chính là môi trường sản sinh, giữ gìn và lưu truyền văn hóa của gia đình, cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN