Xã Kon Pơ Ner, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai những ngày cuối năm thật yên bình. Xã có 3 làng với 350 hộ, 1.500 khẩu đều là dân tộc Bahnar. Đây là những buôn làng định canh định cư muộn nhất do nằm quá xa và gần như biệt lập. Tuy nhiên, chỉ sau 4 - 5 năm được Nhà nước đầu tư làm đường, mắc điện... cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Cuộc sống no ấm, đời sống tinh thần của đồng bào cũng được nâng lên. |
Bằng việc cải tạo hơn 100 ha đất canh tác gieo trồng lúa 2 vụ, bước đầu, bà con đã tự túc được lương thực, không còn thiếu ăn giáp hạt. Hiện nay, bà con phát triển các loại cây cà phê, bời lời... để tăng thu nhập.
Làng Tung, với đa số dân tộc J'rai, ở xã Ia O, huyện Ia Grai được gọi là làng công nhân cao, bởi nằm trong vùng dự án phát triển cây cao su của Công ty cao su Chưprông. Làng có 104 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Từ một buôn làng nghèo, có những năm mất mùa, nhiều gia đình trong làng thiếu ăn đến vài tháng. Nhưng 10 năm trở lại đây, làng Tung đã vươn lên và trở thành một trong những buôn làng vững cả về phát triển kinh tế và an ninh chính trị.
"Chỗ dựa" căn cơ của làng chính là sự hỗ trợ của Công ty Cao su Chưprông, với hơn 20 lao động được nhận vào làm công nhân, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 6,5 - 7 triệu đồng, chưa kể mức thưởng vượt năng suất từ 20 - 30 triệu đồng mỗi năm.
Những con đường vào buôn làng được trải thảm bê tông. |
Công ty còn hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật để bà con phát triển các loại cây trồng kinh tế, thay dần các loại cây trồng tạp có năng suất thấp. Hiện nay, ngoài một số diện tích lúa nước và hoa màu, làng Tung còn trồng hàng trăm ha cao su tiểu điền và cà phê, đây cũng là nguồn thu chính để bà con làm giàu.
Già làng Siu Bai bộc bạch: "Dân làng mình được sống trong no đủ và yên bình là nhờ ơn Đảng. Bây giờ, nhà nào cũng có xe máy, có ti vi để xem thời sự và giải trí, con em thì được học hành... Mình luôn nói với dân làng, nhất là bọn trẻ không nghe theo bọn xấu để làm những điều trái pháp luật, chỉ nghe theo Đảng để chăm lo làm ăn và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp".
Không riêng gì các buôn làng ở xã Kon Pơ Ner và làng Tung, hầu hết các buôn làng dân tộc trong tỉnh Gia Lai đều có sự đổi thay đáng kể. Buôn làng nào cũng có đường giao thông thuận lợi, có điện thắp sáng và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Con em trong độ tuổi được đi học, có cơ sở y tế điều trị bệnh miễn phí cho bà con... Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 14,06%, bình quân mỗi năm giảm từ 3 - 4%.
Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các Chương trình 135 về xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở...Chỉ tính riêng Chương trình 135, từ năm 2002 đến nay Chính phủ đã đầu tư cho tỉnh Gia Lai hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống "điện - đường - trường - trạm" tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng sửa chữa và làm mới nhà ở cho hàng ngàn hộ nghèo thiếu điều kiện về chỗ ở, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi.
Bài và ảnh: Văn Thông