Tình trạng học sinh đến lớp không thường xuyên, bỏ học là một thách thức lớn của ngành Giáo dục huyện miền núi Sơn Hà. Các trường học dù triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Theo khảo sát, các em học sinh bỏ học được xác định chủ yếu là có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh mồ côi, cha mẹ ly hôn, sống nhờ ông bà, học sinh học yếu, có nguy cơ bỏ học.
Em Đinh Thị Hòng, người đồng bào Hre, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Sơn Hạ 1, sinh ra trong gia đình có mẹ bị bệnh tâm thần, bỏ đi khi em còn rất nhỏ, Hòng ở với người cha già yếu nay đã gần 70 tuổi. Hòng một mình bơ vơ, như một đứa trẻ tự kỷ, cô độc, không nói chuyện, vui đùa cùng bạn bè cùng trang lứa.
Biết hoàn cảnh của em, năm học 2016-2017, thầy Nguyễn Tấn Châu đã nhận đỡ đầu cho em cả về vật chất lẫn tinh thần. Lương giáo viên không nhiều, mỗi lần đến thăm, thầy Châu đều dành tiền mua vài cái bánh, viên kẹo cho Hòng, sắm chiếu, mềm cho 2 cha con đắp ấm vào mùa đông. Cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô trong trường, thầy Châu mua gạo, thức ăn hàng tuần, hành tháng cho cha con Hòng. “Em rất cám ơn sự quan tâm của thầy cô giáo. Nhờ thầy cô, em được ăn no, được đi học. Em hứa sẽ cố gắng học tốt hơn”, Hòng cho biết.
Khi được thầy cô đỡ đầu, Hòng không còn là một đứa trẻ đơn độc mà sống trọn trong tình yêu thương của thầy cô và bạn bè. Em đi học đều và đạt nhiều thành tích trong học tập. Năm học 2017-2018, Đinh Thị Hòng được Hội đồng Đội tỉnh Quảng Ngãi tặng danh hiệu “Thiếu nhi dân tộc thiểu số tiêu biểu”.
Thầy Nguyễn Tấn Châu chia sẻ: “Khi biết Hòng có hoàn cảnh khó khăn, tôi đã chủ động báo cáo với Ban Giám hiệu Nhà trường và nhận đỡ đầu cho em. Tôi thường xuyên đến nhà kiểm tra việc ăn uống, sinh hoạt, học hành của em, khuyên các bạn học cùng lớp tâm sự, chia sẻ, giúp đỡ Hòng trong học tập, cuộc sống. Nhờ đó, em Hòng đã tiến bộ rất nhiều, em tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người”.
Hai chị em Đinh Thị Khuya và Đinh Thị Khuyên là người đồng bào Hre ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Chị em Khuya không có cha, mẹ thường xuyên đi làm thuê xa. Dù chỉ mới 14 tuổi nhưng Khuya phải lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ,...chăm sóc tất cả cho em. Dù ngày, đêm, mưa bão cũng chỉ có 2 chị em trong căn nhà xập xệ. Do hoàn cảnh khó khăn, chị em Khuya thường xuyên nghỉ học.
Cô giáo Đinh Thị Năm, chủ nhiệm lớp 8A-lớp học của Khuya, Trường Trung học Cơ sở Sơn Ba đã kiên trì đến nhà động viên Khuya ra lớp. Nhiều lần đến nhà không gặp, cô Năm vẫn không nản lòng mà càng thương cho cô học trò nhỏ thiệt thòi của mình.
Ngoài những giờ trên lớp, cô Năm còn thường xuyên đến nhà giúp đỡ hai chị em Khuya những công việc thường ngày. Vừa làm, cô trò vừa tâm sự, tạo động lực, giúp em cố gắng đến trường, cố gắng vượt lên khó khăn.
“Học sinh ở đây đi học kiểu giã gạo rất nhiều, đa phần do phụ huynh không quan tâm, số khác do hoàn cảnh khó khăn, các em sớm phải bươn chải lo cho cuộc sống. Đối với hoàn cảnh của Khuya, em rất muốn đi học nhưng vì phải thường xuyên lên rẫy kiếm rau, quả rừng để ăn hàng ngày nên hay nghỉ học. Hoàn cảnh hai chị em Khuya rất khó khăn. Do đó, hàng tháng, tôi trích lương để mua một số thực phẩm thiết yếu cho em. Nhà trường cũng trích quỹ để đỡ đầu cho em. Nhờ đó, em có những bữa ăn no và đến lớp đầy đủ”, cô Năm chia sẻ.
Từ năm học 2016-2017, phong trào “Nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học” của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà được phát động. Các trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm nhận đỡ đầu tất cả các em khó khăn, mồ côi; hỗ trợ về vật chất, quan tâm, chia sẻ, yêu thương như cha, như mẹ để các em được tiếp tục đến trường.
Đến nay, toàn huyện Sơn Hà có 550 thầy, cô giáo ở 39 đơn vị trường học nhận đỡ đầu cho 935 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các em được nhận đỡ đầu đều phát triển tốt, có sự tiến bộ trong học tập, không còn ý định nghỉ học và đặc biệt là tâm lý của các em được cải thiện đáng kể. Nếu trước năm 2015, tình trạng học sinh đi học kiểu giã gạo trên địa bàn huyện khoảng 30%, đến nay chỉ còn dưới 8% tùy vào từng trường.
Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà, cho biết: “Muốn các em đi học đầy đủ, mình phải tìm ra nguyên nhân vì sao các em nghỉ học. Khi nhận thấy các em nghỉ học đều có những hoàn cảnh rất khó khăn, chúng tôi đã phát động phong trào “Nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học”. Tùy theo hoàn cảnh của từng học sinh mà các thầy, cô có những giải pháp riêng, tất cả nhằm hỗ trợ, giúp đỡ để các em được đến trường, tự tin hơn trong giao tiếp, có kết quả học tập tốt hơn. Tôi mong rằng, giáo viên sẽ thực sự như người cha, người mẹ thứ 2 thực sự của các em, để cho các em thêm một điểm tựa tinh thần”.
Sau 2 năm được Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Sơn Hà triển khai, đến nay phong trào “Nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học” đã lan tỏa mạnh mẽ. Các thầy cô giáo dành tâm huyết, tình yêu thương, chăm sóc các em. Các em cũng yêu thích đến trường, học hành tiến bộ hơn.