Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhằm cụ thể hóa thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu là sắp xếp lại dân cư, bố trí lại sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các làng dân tộc thiểu số, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới; trong đó, nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cán bộ, đảng viên tham gia cùng các làng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Phú Thiện là huyện điểm trong việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, với xã Chư A Thai là trọng tâm. Đây là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có bốn khu vực làng căn cứ kháng chiến trước đây là làng Trớ, làng Hek, làng Kinh Pêng và làng Pông. Nằm ở các vị trí vùng sâu, vùng xa, đất đai cằn cỗi nên điều kiện vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân tại các làng này còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nếp sống sinh hoạt lạc hậu.
Gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, huyện Phú Thiện đã thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội bốn làng trên, trong đó, tập trung vào việc di dời, sắp xếp lại dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhờ đó, ngay từ đầu năm 2018, làng Pông đã hoàn thành việc di dời nhà cửa, sắp xếp lại khu dân cư; đầu năm 2019, làng Hek hoàn thành và những ngày đầu năm mới 2020, nhân dân làng Trớ cũng đã hoàn thành việc di dời, xây dựng thôn làng sạch đẹp, đời sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Bahnar.
Làng Trớ trước đây là một trong bảy thôn, làng đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai. Toàn làng có 115 hộ dân, trong đó 92 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây rất nhiều khó khăn, việc phát triển kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy; đất vườn của mọi nhà đều bỏ hoang phí. Cuối năm 2018, toàn làng còn 53 hộ nghèo, chiếm 46%. Làng có gần 150 căn nhà bố trí chen chúc, lộn xộn; 100% số hộ người dân tộc thiểu số đều nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà dưới gầm sàn nhà ở gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe; 100% số hộ người dân tộc thiểu số không biết làm và sử dụng nhà vệ sinh; đường giao thông nội làng hầu như không có; hệ thống điện cũ nát, thiếu an toàn; nước phục vụ sinh hoạt thiếu thốn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn thấp, việc học tập của trẻ em chưa được bà con chăm lo; ốm đau chưa thường xuyên đến Trạm y tế; nếp sống, sinh hoạt lạc hậu vẫn còn tồn tại.
Anh Đinh Byei, Bí thư Chi bộ làng Trớ cho biết, từ đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai, hệ thống chính trị và nhân dân làng Trớ đã nhiều lần tổ chức họp, bàn triển khai thực hiện xây dựng làng nông thôn mới và chính thức thực hiện từ tháng 7/2019. Với sự giúp đỡ của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, cũng như của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, đến nay, việc xây dựng làng nông thôn mới tại làng Trớ đã đạt được những thành tựu to lớn: xây dựng mới hơn 1.500m đường giao thông nội làng, trong đó có 1.400m được bê tông hóa; mở rộng diện tích quy hoạch làng lên 15 ha, tăng 5,3 ha so với hiện trạng ban đầu; di chuyển, sắp xếp bố trí dựng lại 100 căn nhà đảm bảo an toàn và chắc chắn; làm mới, tách biệt riêng 75 chuồng trại đưa trâu, bò ra khỏi gầm sàn nhà ở; 100% số hộ người dân tộc thiểu số đã được hướng dẫn làm vườn trồng rau xanh phục vụ đời sống gia đình…
"Bây giờ, bà con trong làng ai cũng phấn khởi lắm, nhà cửa được sắp xếp ổn định, lại được hướng dẫn chăn nuôi hợp vệ sinh, trồng trọt, có kiến thức chăm sóc gia đình. Việc đi lại cũng dễ dàng, thuận tiện hơn, ý thức của bà con được nâng cao, cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn trước nhiều rồi", anh Đinh Byei vui mừng nói.
Nhờ việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các làng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, từ những ngôi làng đặc biệt khó khăn, làng Pông, làng Hek và làng Trớ đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới, góp phần nâng tổng số tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Chư A Thai lên 11/19 tiêu chí vào cuối năm 2019; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 21,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 15,5 triệu đồng/người/năm.
Ông Đỗ Ngọc Thành, Bí thư Huyện ủy Phú Thiện cho biết, mỗi cuối năm, Huyện ủy Phú Thiện sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các làng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai để đúc rút kinh nghiệm thực hiện, trong đó tập trung vào vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy và sự ủng hộ, tin tưởng, đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng để tổ chức thực hiện.
Ông Đỗ Ngọc Thành phân tích: Nguồn lực chủ yếu để thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các làng đồng bào dân tộc thiểu số đến từ việc xã hội hóa và vận động nhân dân. Kết hợp đó là lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và một phần ngân sách của huyện, xã. Vì vậy, việc xác định chính xác và tranh thủ các nguồn lực, đảm bảo vật chất, con người, chủ động trong việc thực hiện Đề án sẽ được đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đề nghị các sở, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, giúp đỡ huyện Phú Thiện trong việc di dời, sắp xếp lại làng Plei Kinh Pêng trong năm 2020 đạt được yêu cầu đề ra; tạo sinh kế giúp nhân dân 4 làng căn cứ cách mạng của xã Chư A Thai vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Thiện.
"Để làng mình to đẹp hơn là nhiệm vụ của mỗi người, mỗi thôn xóm. Với sự thay đổi của 3 làng: Pông, Hek và Trớ, bà con làng Kinh Pêng phải khẳng định quyết tâm phấn đấu xây dựng làng mình thành làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số như các làng nói trên. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần phát huy nguồn lực của địa phương và tranh thủ đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tiếp tục xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số", ông Kpă Thuyên nhấn mạnh.
Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại sức sống mới, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến nay, sau gần hai năm Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai được ban hành, Gia Lai đã có 38 thôn, làng đạt chuẩn làng nông thôn mới, góp phần xây dựng Gia Lai ngày một phồn vinh, thịnh vượng.