Đào tạo nghề hướng vào chất lượng

Xác định dạy nghề sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người dân trong quá trình đô thị hóa, tuy nhiên mạng mạng lưới trường dạy nghề Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa thu hút được người học.


Nhiều bất cập trong quy hoạch


Dự án trường Trung cấp nghề Sơn Tây tại xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) do Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Đại Dương làm chủ đầu tư, có quyết định thu hồi đất từ năm 2004 và được giao đất từ năm 2009. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, rộng 60.000 m2, với dự kiến hình thành trường trung cấp nghề chất lượng cao, tạo điều kiện chuyển đổi nghề cho nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn là bãi đất hoang với vài ba gian nhà cấp bốn.

 

Lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho các học viên người khuyết tật.
Quý Trung – TTXVN


Ông Phùng Trọng Dũng, Phó Chủ tịch xã Thanh Mỹ cho biết: “Trước kia, khi dự án đầu tư vào địa phương, nhân dân rất mong chờ dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế và đào tạo nghề cho người dân địa phương, nhưng nay thanh niên của xã lại phải đi học nghề ở những nơi khác”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội:

Đảm bảo tương lai sau đào tạo

Thực tế tại Hà Nội cho thấy, nếu chỉ giảm hay miễn học phí sẽ chưa thu hút học nghề. Vấn đề quan trọng lại ở khâu tuyên truyền, dự báo và cam kết của của doanh nghiệp về sử dụng lao động sau đào tạo. Các trường phải chủ động liên kết với các doanh nghiệp, gắn lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra sau đào tạo, đưa ra được câu trả lời cho học sinh về tương lai sau đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên quan tâm đến bài toán phân luồng học sinh vào học trường nghề.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Công nghệ cao Hà Nội:

Phải phân luồng, tư vấn sớm cho học sinh

Tuyển sinh học nghề còn nhiều khó khăn do các trường đại học, cao đẳng được mở ra quá nhiều, điểm chuẩn hạ thấp, chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng ở các trình độ đã thu hút phần lớn học sinh vào đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, do tâm lý coi trọng bằng cấp, khiến các trường lúc nào cũng ở trong tình trạng khó tuyển sinh. thậm chí có nghề miễn học phí học sinh cũng không học. Dù thực tế học trường nghề đào tạo bài bản, gắn với doanh nghiệp thì 80% học viên ra trường có việc làm nhưng ít người theo học. Do đó, việc phân luồng, tư vấn cho học sinh phải làm tư sớm, với những chính sách vĩ mô phù hợp.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, đại biểu HĐND Hà Nội:

Gắn với thế mạnh làng nghề

Việc quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề Hà Nội cần gắn với thế mạnh của làng nghề trên địa bàn, gắn với việc bảo tồn các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Bên cạnh đó, gắn với việc giải quyết đầu ra cần có định hướng lao động trên cơ sở thành lập các trung tâm tư vấn dạy nghề để hướng nghề cho các đối tượng có nhu cầu và phù hợp với thực tế thị trường. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cần quan tâm đạt chuẩn quốc gia hoặc chuẩn khu vực ASEAN.


Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do công trình đội giá và chủ đầu tư thiếu năng lực. Hiện công trình vẫn đang chờ nguồn vốn vay để triển khai tiếp.


Trong khi đó, tại trung tâm dạy nghề quận Ba Đình, tình trạng dạy nghề khá đìu hiu. Cụ thể như lớp dạy nghề sửa chữa điện tử và xe máy toàn thiết bị lạc hậu và để đắp chiếu, nên không có học viên. Theo đại diện trung tâm dạy nghề quận Ba Đình, các trung tâm dạy nghề cấp quận, huyện do ngân sách địa phương đảm nhiệm, nên việc đầu tư về cơ sở dạy và học nhìn chung không theo kịp sự phát triển khoa học và công nghệ hiện nay, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút học viên. Có những khóa học chỉ tuyển được 2 đến 3 học viên, nhưng trung tâm vẫn phải mở lớp học để duy trì đào tạo, có những thời điểm trung tâm phải bù lỗ để duy trì lớp học.


Thực tế trên cho thấy việc quy hoạch mạng lưới dạy nghề Hà Nội hiện còn nhiều bất cập, nhiều lĩnh vực chưa phù hợp với nhu cầu người học hoặc chương trình nội dung chưa phù hợp với thị trường. Anh Nguyễn Văn Tùng, học viên từng tham gia khóa đào tạo tại trường nghề huyện Hoài Đức cho biết: “Tôi từng tham gia học nghề do các trung tâm nhà nước mở nhưng học xong khó có thể đi kiếm việc, trong khi học tại một số lớp do tư nhân mở sát với thực tiễn hơn, được thực hành trên các thiết bị mới và quan trọng là học xong có các cơ sở liên kết nhận việc”.

Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định: Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 40% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên 28%). Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 55% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên 40%). Đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 90%. Đến năm 2020, có 21 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp nghề, 66 trung tâm dạy nghề. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 23 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 73 trung tâm dạy nghề.


Hiện Hà Nội có 298 cơ sở dạy nghề, trong đó, cơ sở dạy nghề công lập là 94 đơn vị; cơ sở dạy nghề ngoài công lập 204 đơn vị, chiếm 68% tổng số cơ sở dạy nghề. Xét về quy mô, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trường dạy nghề tại Hà Nội đã tăng đáng kể về số lượng theo phương châm xã hội hóa. Tuy nhiên đánh giá về chất lượng đào tạo nghề, ông Đặng Đình An, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội mới mạnh về số lượng các trường đào tạo nghề, chứ chưa quan tâm đến quy mô của từng trường, nghề thế mạnh và chưa chú trọng đến đầu ra được đào tạo. Do đó, trong quy hoạch mạng lưới các trường nghề đến năm 2020 của Hà Nội đã đặt ra yêu cầu phải chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề, Hà Nội cần tập trung vào chất lượng đào tạo chứ không nên chạy theo số lượng.


Dạy nghề gắn với thị trường


Gắn với nhu cầu của thị trường việc làm là yêu cầu bức thiết trong đào tạo nghề. Ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất dẫn chứng: “Trung tâm dạy nghề của huyện liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, thực chất làm nhiệm vụ tuyển sinh theo yêu cầu của doanh nghiệp và đào tạo cơ bản, còn phần thực hành do doanh nghiệp đảm nhận. Do đó, đào tạo ra các học viên đều có việc làm. Trong khi đó, trường nghề Việt - Hung của Trung ương, cũng đóng trên địa bàn, nhưng đào tạo không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nên không tuyển được học viên và học xong ra cũng không xin được việc. Do đó, việc đào tạo nghề thành phố Hà Nội cần chú trọng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, gắn với nhu cầu thị trường. Việc đào tạo nghề gắn chất lượng đào tạo chứ không nên chạy theo số lượng.


Bên cạnh đó, nguồn đầu tư cho đào tạo nghề Hà Nội giai đoạn 2016 -2020 khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng thực tế các cơ sở dạy nghề có rất ít người theo học. Chính vì vậy, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, trong quy hoạch công tác đào tạo nghề cần chú trọng đến việc xã hội hóa. Đối với nguồn vốn từ ngân sách, Hà Nội nên tập trung nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề hiện tại, thay vì tập trung quá nhiều cho việc đầu tư xây mới các trường nghề và chỉ tập trung ưu tiên đầu tư cho một số nghề được coi là thế mạnh.


Do đặc thù của thành phố Hà Nội có quỹ đất hạn chế, nên ít trường đào tạo nghề đạt diện tích đất theo quy định. Đối với các trường trung cấp nghề thuộc thành phố quản lý, hiện có 1/6 trường có diện tích dưới 1.000 m2. Nhiều trường còn phải thuê, mượn phòng học. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng: Phải rà soát việc xây dựng các trường, trung tâm nghề.

Hệ thống các trường đạo tạo nghề chỗ thừa chỗ thiếu. Có quận huyện như Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Từ Liêm tập trung nhiều cơ sở đào tạo nghề, trong khi một số huyện chưa có cơ sở đào tạo nghề. Để khắc phục tình trạng trên cần có sự điều chỉnh đồng đều giữa các địa phương trong đầu tư xây dựng trường, trung tâm nghề. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Các địa phương khảo sát nhu cầu thực tế về khả năng đào tạo của cơ sở dạy nghề, số lượng người có nhu cầu học nghề và tuyển dụng của doanh nghiệp; mở rộng các sàn giao dịch việc làm ở khu vực nông thôn… Đẩy mạnh hơn hình thức liên kết trong đào tạo, phải thúc đẩy được tỷ lệ học nghề và giải quyết việc làm tăng cao hơn nữa bằng việc đào tạo theo đơn đặt hàng.


Xuân Minh - Ánh Hồng


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN