Huyện Cư M’Gar, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk, đã áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật để “trẻ hóa” lại các vườn cà phê vối đã hết chu kỳ kinh doanh, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các nông hộ sản xuất cà phê.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra chồi ghép cà phê được nhân tại vườn. Ảnh: TTXVN |
Huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các nông hộ áp dụng các quy trình kỹ thuật để “trẻ hóa” lại các vườn cà phê hết chu kỳ kinh doanh. Đối với các vườn cây cà phê vối già trước đây không bị nhiễm bệnh, cho năng suất cao, có nhân lớn, Viện đã hướng dẫn các nông hộ chỉ cần cưa đốn phục hồi, sau đó chọn chồi tái sinh để nuôi dưỡng, phát triển. Đối với các vườn cây cà phê vối tuy không bị nhiễm bệnh nhưng cho năng suất thấp, nhân nhỏ thì hướng dẫn các nông hộ cưa đốn phục hồi, chọn các chồi non tái sinh khỏe cắt ghép bằng phương pháp nối ngọn với các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13.
Các đơn vị chức năng cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn các nông hộ khi ghép chẻ nối ngọn chỉ nên chọn các chồi ghép mang 1 cặp lá, thực hiện lúc trời mát, tránh mưa vào mắt ghép để đạt tỷ lệ cây sống cao.
Với hai phương pháp này không những đầu tư thấp hơn khá nhiều lần so với trồng mới mà còn rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản, sớm đưa vào kinh doanh (từ 4 năm xuống chỉ còn 2 năm), đạt năng suất, sản lượng, chất lượng cao (từ 3,5 tấn cà phê nhân/ha), nhân cà phê đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đối với các vườn cây cà phê vối già cỗi nhưng bị nhiễm bệnh tuyến trùng gây hại rễ, gỉ sắt không có khả năng cưa đốn phục hồi, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các nông hộ chặt phá bỏ vườn cây, khai hoang làm đất thu gom hết gốc, rễ, luân canh các loại cây trồng khác (chủ yếu là các loại cây đậu) từ 3 - 4 vụ trước khi tái canh cây cà phê. Khi triển khai trồng mới lại cà phê, các nông hộ áp dụng chặt chẽ quy trình tái canh mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo như bón lót nhiều phân hữu cơ, sử dụng cây giống khỏe, sạch nguồn bệnh, phòng trị các bệnh hại rễ ngay từ những năm đầu khi tái canh, trồng cây che bóng... nhằm góp phần đảm bảo chất lượng vườn cây.
Hiện nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện Cư M’Gar đã làm “trẻ hóa” lại trên 3.500 ha cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh, trong đó, chủ yếu là hai phương pháp: Cưa đốn phục hồi chọn chồi tái sinh và cưa đốn phục hồi chọn chồi tái sinh để ghép nối ngọn bằng các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc.
Huyện Cư M’Gar hiện có trên 36.000 ha cà phê, trong đó, có trên 16.000 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém, tập trung nhiều nhất ở các xã Quảng Phú, Ea Pốk, Ea M’Nang, Dờ Liê Mnông, Ea Kiết....
Quang Huy