Tại các nơi đến thăm, lãnh đạo tỉnh đã ân cần thăm hỏi và chúc đồng bào đón Tết đầu lúa vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm. Lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn nhân dân phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định đời sống về mọi mặt, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đầu lúa là Tết cổ truyền của đồng bào Raglai, K’ho sinh sống ở các xã vùng cao Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền và Phan Tiến, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Tết có từ rất lâu đời, gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy và thường được tổ chức từ ngày 15 tháng Chạp hàng năm, sau khi người dân đã thu hoạch xong lúa.
Trước đây, người K’ho và Raglai ăn Tết riêng lẻ từng gia đình và kéo dài đến hết tháng Chạp. Những năm gần đây, Tết đầu lúa được huyện Bắc Bình tổ chức thành Ngày hội Văn hóa, thể thao các xã vùng cao. Từ đó, Tết đầu lúa không chỉ còn là ngày vui của từng nhà mà trở thành ngày hội chung thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào nơi đây.
Năm nay, Phan Tiến là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các xã vùng cao. Ba xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền sẽ đưa đồng bào về đây tham gia. Ngày hội Văn hóa, thể thao các xã vùng cao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi lễ cúng hạt lúa mới để dâng lên thần linh, tổ tiên những hạt gạo tốt nhất; lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa… nhằm thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ và niềm tin của nhân dân đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, bệnh tật để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người. Phần hội với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi cùng các trò chơi dân gian đặc sắc như: Thi gùi nước về làng, thi dựng cây nêu, đi cà kheo, biểu diễn trang phục dân tộc…
Năm 2018, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, tình hình sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận ngày càng phát triển, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với trước.