Suy giảm dân số, mai một về văn hóa và tụt hậu trong phát triển so với các dân tộc khác là những nguy cơ tác động không tốt đến 17 dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở nước ta. Trước thực trạng này, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội dành riêng cho các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao” ở ba tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên.
Còn nhiều gian khó
Với tổng số 3.540 hộ, 17.810 nhân khẩu, sinh sống tại 88 thôn, bản ở 27 xã trên địa bàn 9 huyện, thuộc ba tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, tập trung chủ yếu ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, đồng bào các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao hầu như không có điều kiện phát triển kinh tế. Hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ trung bình từ 50 - 70%; đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, bản sắc văn hóa của từng dân tộc đang dần bị mai một...
Đường vào bản Nậm Kè của người Cống, ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) còn khó khăn. |
Ở bản Búng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) nhiều gia đình dân tộc Cống vẫn phải sống trong những căn nhà lá trên mảnh đất cheo leo. Đường vào bản Púng Bon gập ghềnh, vệ sinh môi trường bừa bãi, bốc mùi do gia súc chăn nuôi thả rông phóng uế. Khái niệm nước sạch để sinh hoạt vẫn còn là “niềm mơ ước” của nhiều hộ đồng bào nơi đây. Hơn 200 người dân trong bản chỉ có một vòi nước tự chảy. Đáng chú ý là, hằng năm đồng bào bản Púng Bon vẫn thiếu lương thực từ 4 - 5 tháng, tỷ lệ hộ đói nghèo khoảng 60%. Nước sinh hoạt thiếu, và đất sản xuất cũng là vấn đề “nóng”.
Nguyên Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên), Chảo Văn Sơ, cho biết: Bản Nậm Kè, với 279 nhân khẩu, trong đó có trên 90% là dân tộc Cống, còn lại là dân tộc khác lấy chồng là người của bản. Do tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp, bà con ít tiếp xúc với bên ngoài, nên việc vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, làm chuồng nhốt gia súc vẫn là vấn đề nan giải.
Đồng bào dân tộc Cống ở bản Búng Bon, huyện Điện Biên (Điện Biên) hàng ngày vẫn phải ra vòi nước tự chảy gánh nước về dùng. |
Không chỉ dân tộc Cống ở Điện Biên mà các dân tộc Mảng, La Hủ, Cờ Lao cũng chung hoàn cảnh. Ông Bùi Xuân Thu, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Lai Châu - tỉnh tập trung 3 dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, cho biết, nguyên nhân chính là trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ và không biết tiếng phổ thông còn ở mức cao (chiếm trên 50%). “Tình trạng sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc khác diễn ra khá phổ biến, thậm chí nhiều người không biết tiếng dân tộc mình”, ông Thu khẳng định.
Còn ông Lò Văn Thoạn, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Điện Biên lo lắng, trang phục truyền thống của dân tộc Cống hiện không còn. Người Cống ở Điện Biên nay chuyển sang mặc trang phục của dân tộc Thái, Kinh. Những lễ hội truyền thống đang bị pha trộn bởi các phong tục, lễ hội của các dân tộc khác sinh sống lân cận.
Cơ hội phát triển
Đề án sẽ được thực hiện trong 10 năm (2011 - 2020), với kinh phí 1.042 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng các dân tộc nêu trên giảm xuống dưới 60%; 70% số thôn, bản có đường giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt, trường, lớp học kiên cố, bán kiên cố, nhà bán trú cho học sinh...; 100% hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà ở; 50% số trạm y tế xã có bác sỹ, y sỹ sản nhi; tỷ lệ cán bộ cơ sở là đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao tăng 40% so với năm 2011.
Người La Hủ ở bản Thèn B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) vẫn phải giặt ở những vũng nước mất vệ sinh. |
Mức sống của đồng bào 4 dân tộc đến năm 2020 tương đương mức sống của các dân tộc khác trong vùng.
Để thực hiện mục tiêu đó, đề án sẽ quy hoạch, tạo mặt bằng để di chuyển, sắp xếp, ổn định dân cư ở các địa bàn đặc biệt khó khăn về giao thông, thiếu nguồn nước, thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cấp đường giao thông đến thôn, bản; công trình điện; công trình thủy lợi; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trạm y tế xã; công trình lớp học, nhà ở bán trú cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên; công trình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, thôn, bản. Đồng thời hỗ trợ hộ nghèo lương thực khi thiếu đói, mắc điện sinh hoạt, làm nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Xây dựng nông thôn mới; thôn, bản, gia đình văn hóa. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Mặc dù đề án đã được phê duyệt từ cuối năm 2011, nhưng đến đầu năm 2013 mới được cấp tạm kinh phí để triển khai thực hiện. Tỉnh Lai Châu có số dân và thành phần dân tộc nhiều nhất cũng mới chỉ được cấp gần 30 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng (trong tổng số 187 tỷ đồng của cả đề án) và Hà Giang là 9 tỷ đồng. Theo lãnh đạo ban dân tộc các tỉnh này, trước mắt sẽ đầu tư xây dựng một số công trình như: Điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt để phục vụ đời sống dân sinh của đồng bào còn các mục tiêu khác còn phải chờ kinh phí.
Dù trước mắt kinh phí còn hạn chế, nhưng đề án riêng mang tính đồng bộ và chiến lược, với nguồn lực đủ mạnh này sẽ tạo thêm sức mạnh, điều kiện cho 4 dân tộc thoát khỏi khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhanh chóng bắt nhịp với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Trọng Thủy