Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam khẳng định dù đạt được tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp, song Singapore vẫn cần phải thực hiện những chiến lược mới để đảm bảo tương lai tươi sáng cho mọi người dân Singapore, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các sáng kiến cộng đồng để cải thiện đời sống người dân. |
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị của tổ chức Đại hội Công đoàn Quốc gia (NTUC) ngày 29/10/2013, Phó Thủ tướng Tharman đã xác định ba chiến lược để đạt được mục tiêu trên. (1) Singapore cần phải đảm bảo nền kinh tế duy trì tính cạnh tranh và tiếp tục phát triển, thu hút đầu tư chất lượng cao và tạo ra nhiều việc làm tốt hơn. (2) Cần đảm bảo tăng trưởng chất lượng, dựa trên cải thiện năng suất chứ không chỉ mở rộng lực lượng lao động. (3) Chính phủ cần đảm bảo rằng thông qua chính sách gắn kết xã hội, Singapore vẫn sẽ là một xã hội toàn diện.
Theo Phó Thủ tướng Tharman, Singapore không còn là một nền kinh tế đang phát triển, song cũng chưa đạt được mức năng suất và thu nhập của một nền kinh tế phát triển. Cùng lúc đó, lực lượng lao động tại Singapore đang tăng trưởng chậm và dần lão hóa. Singapore cần phải nỗ lực đạt được tăng trưởng chất lượng: tăng trưởng đạt được phần lớn thông qua đổi mới và năng suất cao, và tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi người dân Singapore, kể cả trẻ em, gia đình lao động, người già và khuyết tật. Theo ông Tharman, cả ba chiến lược mới cần được thực hiện cùng lúc để đảm bảo rằng mọi người dân Singapore đều được hưởng lợi.
Các chính sách để thực hiện chiến lược (1) và (2) có sự gắn bó chặt chẽ. Trên thực tế, Singapore đã bắt đầu quá trình tái cấu trúc hóa nền kinh tế từ năm 2010, với các chính sách: thắt chặt dòng lao động nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nỗ lực nâng cấp hoạt động và cải thiện năng suất; và đầu tư vào người lao động với các chương trình hỗ trợ đào tạo mạnh mẽ ở mọi kĩ năng. Trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, Singapore cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế và cải thiện kĩ năng cho người lao động để đạt được mục tiêu tăng trưởng chất lượng. Trong quá trình này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cần phải nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Tái cấu trúc kinh tế sẽ dẫn đến một số doanh nghiệp bị phá sản, song rốt cuộc nó sẽ tạo ra một khu vực SME bền vững và mạnh mẽ hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn tái cấu trúc, chính phủ Singapore đưa ra một gói hỗ trợ chuyển tiếp kéo dài 3 năm, gồm 3 thành tố chính là: cơ chế tín dụng lương (trị giá 3,6 tỷ SGD) để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động; cơ chế tín dụng năng suất và đổi mới (trị giá 450 triệu SGD) để giúp doanh nghiệp tăng năng suất và đổi mới công nghệ; và cơ chế hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp (trị giá 1,3 tỷ SGD). Bên cạnh đó, tái cấu trúc kinh tế cũng tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới. Để tận dụng những cơ hội này, Singapore cần tiếp tục phát triển năng lực mới để thích nghi với hiện trạng và tạo ra những ngành có giá trị cao hơn và công việc chất lượng cao cho người dân. Singapore tập trung chú trọng vào các ngành sản xuất, kể cả ngành mới và dịch vụ với chương trình đầu tư 500 triệu SGD trong 5 năm để hỗ trợ kế hoạch Tương lai Sản xuất, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và ứng dụng mới để thương mại hóa và áp dụng cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với mục tiêu tăng trưởng chất lượng, chính phủ Singapore đã đưa ra một chương trình nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp nâng cấp, tạo ra việc làm tốt hơn và tăng thu nhập cho người lao động. Chương trình gồm 4 trụ cột chính: (a) thắt chặt chính sách lao động nước ngoài; (b) gói hỗ trợ chuyển tiếp kéo dài 3 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn tái cấu trúc như đã nhắc đến ở phần (1), (c) củng cố động lực tăng năng suất cho các doanh nghiệp, thông qua các chương trình không chỉ giúp đỡ từng doanh nghiệp cụ thể mà còn hỗ trợ cả ngành; (d) giúp phát triển năng lực để có thể cạnh tranh ở các mặt trận mới trong ngành sản xuất và giúp ngành dịch vụ tận dụng được cơ hội tại các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh ở châu Á.
Bên cạnh đó, để có sự chuyển đổi kinh tế tốt, Singapore cần tận dụng giá trị của thế hệ người cao tuổi và tạo ra công việc phù hợp cho họ, cũng như với những người lao động tiềm tàng khác vốn không thể lao động định kì, đầy đủ. Singapore cũng cần phải tạo cơ hội cho người lao động có thêm lựa chọn được làm việc ở nhà hoặc từ “các trung tâm làm việc thông minh” gần nhà, giống như ở Amsterdam và Seoul, mà không phải đến công sở. Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong những nỗ lực này.
Về chiến lược (3), để đảm bảo đạt được một xã hội toàn diện và công bằng hơn, chính phủ Singapore đưa ra các chính sách gồm 4 trụ cột chính là: (a) trước tiên Singapore cần đảm bảo tính cơ động xã hội. Chế độ ưu đãi nhân tài là không đủ. Vì thế, chính phủ sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn cho thế hệ trẻ, giúp các em nhỏ phát triển đầy đủ mọi khả năng và kĩ năng ngay từ thủơ ban đầu. (b) Tiếp tục tạo cơ hội việc làm tốt và tăng thu nhập cho toàn bộ người dân Singapore. Đây là điều kiện cơ bản để đạt được một xã hội ổn định và gắn kết ở bất kì đâu. (c) Singapore cần phải hạn chế sự bất bình đẳng, bằng cách khiến hệ thống tài chính trở nên cấp tiến hơn, ưu đãi thuế và tạo thuận lợi cho các nhóm thu nhập thấp và trung bình. (d) Trụ cột thứ tư và có ý nghĩa quan trọng đối với một xã hội toàn diện, là vai trò của cộng đồng. Chính phủ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các sáng kiến cộng đồng bằng cách phối hợp với các cơ quan cộng đồng và nhóm công dân để cải thiện đời sống của người dân Singapore.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng sẽ có đầu tư đáng kể vào thể thao và nghệ thuật, mà ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc làm giàu có hơn đời sống tinh thần ở Singapore. Trong 5 năm tới (kể từ 2013), Singapore sẽ đầu tư thêm 30% ngân sách cho các chương trình thể thao, và tăng gấp đôi đầu tư vào các cơ sở thể thao cấp cộng đồng và khu vực. Một chương trình mới cũng sẽ tăng ngân sách cho các sự kiện nghệ thuật và văn hóa.
Việt Hải (P/v TTXVN tại Singapore)