Huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã triển khai thực hiện mô hình "Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng" trên địa bàn 20 xã, thị trấn. Đến nay, mô hình đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, giúp các em và gia đình có thêm niềm vui, tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Chị Hoàng Thị Ngôn và anh Dương Thời Bằng, ở thôn Nội Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, kết hôn từ đầu năm 2010. Đến cuối năm, gia đình anh chị đón hai thành viên mới là bé Dương Thị Hằng Nga và Dương Thị Bích Ngọc. Tuy nhiên, được 3 tháng tuổi hai cháu vẫn không phân biệt được màu sắc, ánh sáng, khi đưa đi Hà Nội khám mới biết bị mù bẩm sinh. Mọi hoạt động của 2 cháu đều dựa vào bố mẹ và bà.
Cán bộ xuống tận gia đình chị Hoàng Thị Ngôn để hướng dẫn cách chăm sóc 2 đứa con khuyết tật của chị. |
Chị Ngôn cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai con lại bị tật bẩm sinh, nên vợ chồng tôi lúc nào cũng phải có một người ở nhà với bà để chăm sóc 2 cháu, luôn phải canh chừng do sợ các cháu bị ngã, hay chạm vào những vật nguy hiểm. Từ khi được cán bộ huyện xuống vận động, hướng dẫn cách thức chăm sóc và tập cho các cháu nhận biết được đồ vật, chúng tôi thực hiện theo và thấy các cháu đã tự nhận biết những đồ vật quanh nhà. Tiến tới, chúng tôi sẽ tập cho các cháu tự chăm sóc bản thân trong những việc đơn giản”.
Em Dương Thị Phương Lan, ở thôn Mỏ Hao (xã Bắc Sơn) năm nay 8 tuổi, bị bỏng nước sôi từ năm 2011. Mặc dù được gia đình đưa đi chữa trị kịp thời, nhưng vết bỏng khá nặng, nên em đi lại rất khó khăn, việc đi học đều phải do người thân đưa đón. Khi được cán bộ huyện, xã tư vấn nâng cao nhận thức và các kỹ năng về chăm sóc trẻ khuyết tật tại nhà, nhất là đối với trẻ bị khuyết tật vận động, gia đình đã giúp em dần phục hồi lại chức năng. Nhờ chăm chỉ luyện tập, xoa bóp theo các bài tập được chỉ dạy, đến nay, Lan đã tự đi học và làm giúp bố mẹ một số việc nhỏ trong gia đình.
Em Dương Thị Phương Lan đã phục hồi chức năng và tự đến trường được. |
Ông Dương Hữu Đạm, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Sơn Sơn cho biết: “Thực hiện mô hình này, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện tới xã, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn, triển khai các nội dung của mô hình cho Ban điều hành cấp xã và toàn bộ cộng tác viên ở 224 thôn, bản; in ấn và phát hành 4.500 tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu có hình ảnh minh họa về chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật”.
Mô hình "Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng" đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về chăm sóc trẻ khuyết tật; các gia đình đã biết cách hướng dẫn trẻ từng bước hòa nhập cộng đồng. Hầu hết trẻ khuyết tật của các địa phương đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp với mọi người và xã hội. Các em ở độ tuổi đi học đều được đến trường, từng bước phục hồi được chức năng và rèn luyện kỹ năng để hòa nhập cộng đồng, qua đó góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc và giúp các em tự tin, hòa nhập với cuộc sống.
Bài và ảnh: Hoàng Nam