Đầu mùa mưa Tây nguyên, chúng tôi theo chân anh K'Ban, một nông dân 40 tuổi người M’Nông, ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông để vào rừng tìm nguyên liệu nấu canh thụt. K'Ban chia sẻ với chúng tôi đây là món ăn truyền thống của đồng bào mình. Trước đây cũng như bây giờ, gần như người M’Nông nào cũng biết chế biến và coi đây là món "khoái khẩu". K'Ban khoe mình biết nấu canh thụt từ hồi 7, 8 tuổi và cũng nhiều lần cho canh thụt vào gùi để đi rừng với ông bà.
Món canh thụt của đồng bào M’Nông. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN |
Nguyên liệu chế biến "canh thụt" bao gồm các loại rau dại của núi rừng Tây Nguyên, mọc ở khắp nơi và chúng tôi chỉ mất khoảng 15 phút là hái đủ ở ngay bìa rừng. Đầu tiên phải kể đến lá bép (còn gọi là rau nhíp), đọt mây, cà đắng, một số loại rau rừng khác và cá suối. Nhưng nguyên liệu làm nên hương vị đặc trưng nhất của canh thụt phải kể đến ống lồ ô. Đây là vật đựng tất cả các nguyên liệu trước khi để lên bếp nướng cho chín mềm. Trong quá trình “nướng”, ống lồ ô sẽ tiết nước ra và hòa vào các nguyên liệu bên trong, làm nên hương vị đặc trưng của món ăn truyền thống này, đó là sự hòa lẫn của các vị ngọt, đắng, nhẫn… của các rau rừng, cá suối và hương vị của ống lồ ô (giống như cơm lam - PV).
Sau khi được “nướng” chín, người nấu sẽ thụt tới thụt lui cho đến khi canh nhuyễn nhừ. |
Để chế biến "canh thụt", việc đầu tiên là chọn ống lồ ô và phải chọn loại ống không non cũng không già quá. Người nấu sẽ dùng loại dao thật sắc để khoét trên miệng ống sao cho nước trong thân ống không bị tràn ra ngoài trong suốt quá trình nướng. Đây là một công đoạn quan trọng, làm nên hương vị đặc trưng của canh thụt, so với các món ăn chế biến từ lá bép, cà đắng khác. Kế đến, người nấu sẽ sử dụng một thanh tre để nhồi các nguyên liệu vào bên trong ống lồ ô, lần lượt cà đắng, lá bép, cá, đọt mây. Việc nhồi các nguyên liệu cũng phải làm cẩn trọng, không được nhiều quá hoặc ít quá. Tiếp nữa, một bếp lửa sẽ được nhóm lên và các ống lồ ồ sẽ được dựng đứng lên để “nướng”. Việc “nướng” kéo dài khoảng 30 phút và ống lồ ô sẽ được xoay tròn để các nguyên liệu bên trong chín đều. Cuối cùng, người nấu sẽ dùng thanh tre thụt tới thụt lui cho đến khi nhuyễn nhừ trước khi có được những bát "canh thụt" thơm ngon, mang đậm màu sắc, hương vị của núi rừng Tây nguyên.
Theo lời một số người già đồng bào M’Nông tại bon Pi Nao, rất nhiều món ăn quen thuộc hàng ngày của đồng bào M’Nông được chế biến từ lá bép - là loại lá có giá trị dinh dưỡng cao bởi đây vừa là một loại rau vừa là dược liệu. Lá bép nấu với giò heo là một món ăn truyền thống rất tốt cho các bà mẹ mới sinh. Ngày nay, lá bép vẫn còn mọc tự nhiên khá nhiều tại Đắk Nông và một số tỉnh Tây Nguyên, miền Trung. Và lá bép, cùng với một số loại rau rừng khác như đọt mây, cà đắng… đã trở thành nguyên liệu cho nhiều món ăn đậm đà bản sắc núi rừng Tây Nguyên. Ngày nay, những món như canh cua lá bép, lá bép đọt mây xào cá hộp, canh thụt… không chỉ là những món ăn truyền thống trong các bon làng M’Nông, mà đã “chen chân” vào nhiều nhà hàng sang trọng ở Tây Nguyên để được giới thiệu với thực khách gần xa.