Cánh chim đầu đàn ở Khau Qua

Không đốt nương, làm rẫy, mà bám đất, giữ rừng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế với các cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; đó là cách làm thật đặc biệt của ông Thào Chư Dình, Bí thư Chi bộ thôn Khau Qua, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Ông Dình (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) trong lớp tập huấn về sử dụng phân viên nén dúi sâu do xã Nam Mẫu tổ chức.


Đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Thào Chư Dình vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm, ông làm không ngơi tay. Chỉ có hai vợ chồng và người cháu, nhưng gia đình ông nuôi rất nhiều trâu bò, lợn gà và trồng lúa, ngô. Hiện nay, trong chuồng của gia đình lúc nào cũng có 5 - 6 con trâu và gần 30 con bò, chưa kể đàn lợn hàng chục con.

Chuồng trại được ông làm chắc chắn, kín đáo để trâu bò không bị chết rét vào mùa đông, đồng thời cách xa nhà để giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông không thả rông, mà chủ động trồng cỏ voi để nuôi nhốt trâu, bò theo hình thức vỗ béo. Nhờ được chăm sóc tốt nên đàn trâu, bò của ông Dình lớn nhanh và đang chuẩn bị xuất bán, hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

ÔngDình trong một lần đi họp dưới xã.

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển chăn nuôi, hộ ông Dình luôn là đi đầu trong thôn về việc áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt. Toàn bộ 4.000m2 ruộng lúa hai vụ và gần 0,5 ha ngô đồi, ông đều sử dụng giống mới và nhờ chủ động chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, đúng phương pháp nên diện tích lúa, ngô của gia đình ông luôn tốt và cho năng suất, sản lượng cao hơn hẳn so với các hộ dân khác trong thôn.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động, dám nghĩ, dám làm, nên trong nhà ông Dình, lúa, ngô bao giờ cũng đầy sàn, đầy bồ; lợn gà, đầy chuồng, cuộc sống ngày một khấm khá. Năm 2009, ông là người dân tộc Mông đầu tiên ở huyện vùng cao Ba Bể “dám” xin thoát nghèo. Với ông Dình việc xin thoát nghèo không phải để lấy thành tích, mà đơn giản là thay đổi tư duy “sính nghèo” của một bộ phận không nhỏ người dân vùng cao, nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời mong muốn làm gương để các hộ dân khác trong thôn học tập và làm theo.

Với gần 10 năm làm Trưởng thôn và hiện là Bí thư Chi bộ, ông Dình luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ngoài việc vận động bà con trong thôn tu sửa và mở mới được hơn 3 km đường liên thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa của bà con, ông còn giúp nhiều hộ dân trong thôn thay đổi tư duy, nếp nghĩ trong lao động, sản xuất bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn họ chuyển đổi giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp sang trồng các loại giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn vì thế cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi thay đáng mừng.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể đánh giá: Trong các cuộc họp hay các buổi tập huấn, Bí thư Chi bộ Thào Chư Dình luôn là người đến sớm và tham dự đầy đủ. Sau đó ông về truyền đạt lại cho bà con trong thôn về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều năm qua, ông luôn là người gương mẫu, uy tín của thôn, là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Ông luôn được bà con tin yêu, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” của người Mông thôn Khau Qua.


Bài và ảnh: Đức Hiếu
Cô học sinh dân tộc Giáy và ước mơ bảo vệ quê hương
Cô học sinh dân tộc Giáy và ước mơ bảo vệ quê hương

Với thành tích đạt giải 3 Quốc gia môn lịch sử và thi đỗ vào trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I với số điểm 22, em Hoàng Thị Khương, dân tộc Giáy, ở bản San Thàng 2, huyện San Thàng, tỉnh Lai Châu là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học giỏi...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN