Cần những mô hình thoát nghèo bền vững

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp, đặc biệt là đối với nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Khmer nói riêng vẫn chưa thực sự có một giải pháp căn cơ để thoát nghèo bền vững…


Làm thuê là chính


Câu trả lời khá phổ biến của bà con nông dân Khmer khi được hỏi về nghề nghiệp là “ai thuê gì làm nấy chú ơi…” Ngay tại các dự án dân cư tập trung được tổ chức khá thành công tại xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ giúp những hộ dân này có được nhà cửa ổn định chứ vẫn chưa thay đổi được sinh kế một cách căn cơ. Ngoài một số hộ gia đình nỗ lực vươn lên và may mắn khi tạo được một công việc ổn định như buôn bán nhỏ, nuôi bò… thì đa phần những nông dân Khmer sau khi được hỗ trợ nhà ở, đất ở, vẫn chỉ có thể kiếm sống bằng làm thuê nông nghiệp.

 

Khu dân cư tập trung cho những hộ Khmer nghèo không có nhà, xã Đại Tâm (Sóc Trăng).


Bên cạnh những hộ dân Khmer làm ăn khá giả nhờ nuôi bò sữa ở ấp Đại Ân, xã Đại Tâm thì cũng có những hộ dân chật vật kiếm sống từng ngày. Bà Trần Ngọc Trước - 58 tuổi ở ấp Đại Ân cho biết, gia đình bà may mắn được tặng căn nhà tình thương trị giá 8 triệu đồng, nhưng đến nay đã bắt đầu xuống cấp, mưa dột, phần vách tre lá dựng tạm cũng đã mục mà bà cũng không biết làm sao có tiền để sửa lại, chỉ mong nhà nước hỗ trợ thêm. Hiện nguồn sống của mấy mẹ con bà nhờ hết vào rổ bánh bao chiên của con gái bà hàng ngày bán ngoài chợ, trung bình mỗi ngày kiếm được khoảng 70- 80 nghìn đồng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống tạm bợ của 3 mẹ con. Bà cho biết thêm, đa phần những hộ gia đình ở quanh đây đều không có đất sản xuất, thanh niên trong sóc bỏ lên Bình Dương làm công nhân kiếm sống, nên trong sóc còn lại chủ yếu là phụ nữ, người già…

Nâng cao ý thức tự vươn lên

Hiệu quả của các chương trình đầu tư không chỉ thể hiện ở việc đời sống của bà con được cải thiện mà thông qua việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình đầu tư xóa nghèo cho đồng bào Khmer trên địa bàn, đời sống bà con từng bước được nâng lên, đặc biệt ý thức tự vươn lên của bà con được thay đổi rõ rệt. Đồng bào biết ứng dụng khoa học công nghệ vào việc sản xuất, sản phẩm, bà con biết quan tâm đến giá trị của sản phẩm, giảm giá thành sản xuất và nâng chất lượng sản phẩm để tăng giá trị, tăng tính cạnh tranh.

Chúng tôi cho rằng, chuyển biến trong nhận thức là chuyển biến có tính quyết định, vì vậy chúng tôi tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong nhân dân, để nhân dân hiểu rõ những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của gia đình mình, xác định vấn đề nào nhà nước phải hỗ trợ, vấn đề nào bản thân gia đình hộ nghèo phải tự lực phấn đấu vươn lên, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách nhà nước. Tuyên truyền để bà con hiểu rõ chính sách nhà nước chỉ đóng vai trò là người đỡ đầu, tạo điều kiện, sự tích cực, chí thú làm ăn, phấn đấu vươn lên của hộ gia đình mới là tính quyết định thoát nghèo bền vững.

 Ông Thạch Phước Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (Trà Vinh)

 

Vốn đầu tư cần được cấp đồng bộ, kịp thời

Để thực hiện tốt chính sách đầu tư cho vùng đồng bào Khmer, các nguồn vốn đầu tư và hướng dẫn thực hiện của cấp Trung ương để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc, cần được cấp đồng bộ, kịp thời để địa phương có thể lồng ghép nâng cao hiệu quả chính sách. Khi ban hành chính sách cần bố trí một khoản kinh phí hoạt động cho cán bộ cấp cơ sở là những người trực tiếp thực hiện các chính sách.

Chính phủ khi ban hành chính sách xã hội nói chung và chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, không nên sử dụng phương thức hỗ trợ trực tiếp cho người hưởng thụ, nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức tự chủ, tự vươn lên của người được hưởng thụ chính sách.

Tại Sóc Trăng, ngoài những mô hình trồng màu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đang giúp bà con đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo thì Dự án bò nuôi sữa theo mô hình của HTX EverGowth là một mô hình rất hiệu quả, nhà nuôi 2 - 3 con là có thể cho thu nhập 3 - 4 trăm nghìn đồng/ ngày. Chính phủ có thể triển khai nhân rộng mô hình này để xóa nghèo bền vững cho bà con đồng bào Khmer cũng như những nông dân thiếu đất sản xuất.

Ông Lý Sóc Kha, Phó ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng


Theo ông Nguyễn Thanh Vân, cán bộ phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo của xã Đại Tâm, những hộ có hoàn cảnh như gia đình bà Tâm trong xã cũng còn khá nhiều. Các chương trình đầu tư của Chính phủ hiện nay cũng chỉ mới giải quyết được một phần những khó khăn của người dân, và không hẳn chương trình đầu tư nào cũng đến được với tất cả người dân. Vẫn còn nhiều hộ nghèo chưa đến lượt thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ cũng như địa phương.


Một thực tế khác là các chương trình đầu tư chồng chéo về tiêu chí. Ngay như chương trình cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào Khmer cũng tạo ra sự chồng chéo khiến có những người nhận được 3- 4 thẻ bảo hiểm y tế từ những chính sách ưu đãi khác nhau.


Nhiều chủ trương chưa sát thực tế


Nói về kết quả từ những chính sách đầu tư của Nhà nước đối với vùng đồng bào Khmer, ông Lý Sóc Kha - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Những năm gần đây nhờ chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án được triển khai tại Sóc Trăng. Hiện nay đời sống người dân từng bước được cải thiện rõ rệt, tỷ hộ nghèo trước đây chiếm 19%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 14%. Đại đa số đồng bào Khmer rất phấn khởi, chúng ta đã đầu tư nhà ở, đất ở, đời sống bà con được nâng lên và có cuộc sống ổn định. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, những chính sách này khi triển khai cũng phát sinh một số khó khăn như việc triển khai Quyết định 74 của Chính phủ về hỗ trợ đất ở đất sản xuất. Không riêng Sóc Trăng mà các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đều rất khó áp dụng vì định mức hỗ trợ của Nhà nước trước đây là 20 triệu, hiện nay nâng lên 30 triệu đồng/1 nghìn m2 thì rất khó giải ngân. Theo thời giá thị trường hiện nay ở đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi công đất ít nhất cũng 45 - 50 triệu đồng trở lên. Đối với Sóc Trăng, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh sử dụng định mức hỗ trợ này để chuyển đổi ngành nghề cho bà con, cho vay hỗ trợ cho bà con mua sắm nông cụ, làm dịch vụ nhỏ… Dù vậy, trong năm rồi còn tồn khoảng 20 tỷ đồng không thể giải ngân được, trong khi nhu cầu của người dân lại rất lớn.


Theo ông Lý Sóc Kha, địa phương cũng đề xuất sử dụng mức hỗ trợ này để chuộc lại đất mà bà con mang đi cầm cố trước đó. Thực tế khá nhiều hộ nông dân Khmer lâm vào tình cảnh không có đất sản xuất là do cuộc sống khó khăn, họ phải mang nhà đất đi cầm cố, hoặc bán. Với số tiền hỗ trợ này bà con có thể chuộc lại một vài công đất của chính họ đã cầm cố trước đó. Nhưng để triển khai một cách có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ của chương trình này, theo ông Lý Sóc Kha, Trung ương cần phải áp dụng mức hỗ trợ tương ứng với giá cả thị trường, không sẽ rất khó thực hiện.


Một trong những hạn chế khác khi triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho đồng bào Khmer khu vực tây Nam Bộ nói chung là tập quán sinh sống và canh tác của bà con. Theo những cán bộ địa phương, trực tiếp triển khai các chương trình này, đồng bào Khmer phần đông là có điểm xuất phát thấp. Tập quán sinh sống trong các phum sóc, vùng nông thôn sâu, xa xôi hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất rất hạn chế. Đa phần bà con sản xuất theo tập quán cũ, mặc dù địa phương cũng đã tổ chức tập huấn nhiều, nhưng bà con vẫn quen với tập quán canh tác cũ, dùng các giống lúa quen, có thể năng suất cao nhưng chất lượng thấp.


Ông Lý Sóc Kha cho rằng: Số liệu thống kê cho thấy số hộ thoát nghèo vẫn đang tăng lên, nhưng theo tôi đây vẫn là thoát nghèo tạm thời, không bền vững. Thực tế là rất nhiều hộ dân vẫn không có đất trong tay, vẫn đi làm thuê làm mướn thì không thể thoát nghèo bền vững. Ngay tại Sóc Trăng, tỉnh cũng xây dựng nhiều chương trình, chính sách giúp bà con thoát nghèo bền vững nhưng thực tế vẫn chưa có một mô hình cụ thể nào có thể giúp bà con thoát nghèo bền vững. Cơ cấu vật nuôi cây trồng cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất lúa thì không có hiệu quả, chuyển qua trồng cây ăn trái thì giá cả cũng bấp bênh như giá lúa. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn còn rất lúng túng, chưa có một giải pháp nào thực sự hiệu quả cho bà con thoát nghèo. Đời sống bà con tuy có khá hơn những năm trước nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, công việc chính vẫn là đi làm thuê mướn.

Bài và ảnh: Hiền Lê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN