Được hình thành và tồn tại trong mỗi dân tộc vùng Tây Bắc, nghề thủ công truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác, lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý giá của con người nơi đây. Những sản phẩm được tạo ra chủ yếu từ bàn tay và khối óc tài hoa của các thế hệ gắn bó với nghề, với làng bản, với cộng đồng.Phụ nữ Mông cần mẫn từng đường kim mũi chỉ để có sản phẩm chiếc váy, áo, khăn… phục vụ đời sống và bán cho khách du lịch. |
Người Mảng luôn giữ gìn nghề đan lát với các sản phẩm tinh xảo và đa dạng. |
Tây Bắc là mảnh đất của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, có nhiều nghề và những làng nghề truyền thống được lưu giữ, trong đó đặc biệt phải kể đến như: Dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, Lào, Lự, Hà Nhì…, nghề làm bánh của đồng bào Dáy, nấu rượu của đồng bào Mông hay nghề mộc, mây tre đan, nghề rèn hay nghề chạm bạc… Tuy không phát triển trên diện rộng, nhưng những nghề thủ công truyền thống này vẫn đang được đồng bào duy trì và coi như một nghề phụ để phục vụ cuộc sống. Họ tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để thêu thùa, đan lát.
Người già luôn quan tâm hướng dẫn, truyền dạy nghề truyền thống cho con cháu để lưu giữ nghề và bản sắc dân tộc mình. |
Các dân tộc sinh sống lưu vực dòng sông chú trọng nghề đan chài để đánh bắt cá, phát triển nghề sông nước. |
Đồng bào Thái vẫn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống dệt vải. |
Vì thế, những sản phẩm được tạo ra rất cầu kỳ, đa dạng và thường tốn nhiều thời gian. Đồng bào Mông làm xong một chiếc váy phải mất cả năm, đồng bào Thái và đồng bào Lự dệt xong tấm thổ cẩm cũng cần đến 4, 5 tháng… Có thể nhận thấy qua các sản phẩm truyền thống là sự tinh tế, tỉ mỉ và những nét văn hóa đặc sắc biểu trưng của từng dân tộc. Từ đôi tay khéo léo của đồng bào dân tộc, với những nguyên liệu tự có như: đất, đá, mây tre, song, gỗ, bông, sợi… mà các sản phẩm có kiểu dáng và chi tiết tinh xảo, truyền tải các sắc thái văn hóa dân tộc.