Bảo tồn dinh thự cổ Cao Bằng

Dinh thự cổ Thổ ty hàng trăm tuổi ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), tọa lạc trong khuôn viên khoảng 6.000 m2, là nơi ở và làm việc của dòng họ Nông Quản Đạo- Nông Hùng Tân, nổi tiếng một thời, đang đứng trước nguy cơ bị biến mất do sự thờ ơ, vô cảm của một số người quản lý di tích tại địa phương.

Dinh thự cổ trầm mặc bên những cây cổ thụ.

Trong các con cháu dòng họ Nông ở Bảo Lạc thì người nổi tiếng và có công với nhân dân và triều đình hơn cả là Nông Hùng Thạc (con trai Nông Văn Vân). Tháng 4/1868, Pháp đánh Nam Kỳ, nhà Nguyễn chấp nhận cho Chúa Nông Hùng Thạc giữ quyền Thổ ty, có quân đội riêng (chế độ cai trị hành chính của một xứ theo lệ thuyên chuyển trong dòng tộc). Nối tiếp gần hết thế kỷ XIX, Nông Hùng Thạc cùng các con Nông Hùng Ân, Nông Hùng Phúc, Nông Hùng Tân đã cùng nhân dân các dân tộc vùng núi chống lại giặc Ngô Côn, Đặng Chí Hùng, Hoa Cửu, Lý Cửu, Trần Á Thụy… Nông Hùng Thạc được triều đình thăng thưởng chức “Phòng ngự sứ Phủ Tương Yên”, gồm Bảo Lạc, Đại Man (Na Hang- Tuyên Quang) và Vị Xuyên (Hà Giang), hàm “chánh thất phẩm”, ấp “thiên hộ”… Con trai ông là Tri phủ Nông Hùng Tân cũng có công dẹp nhiều toán giặc cuối thế kỷ XIX như Tô Tử Bích (Lạo Xú), Trần Cao Hóa, Thi Thiên Đức, Nông Sinh Đạo, Hoàng Cửu, Lý Bại Cước…


Theo các tư liệu cổ, thì ngôi dinh thự cổ của dòng họ Nông nằm ở đầu thị trấn Bảo Lạc hiện nay, là do Tri phủ Nông Hùng Tân xây dựng vào năm 1890, với kiến trúc bằng gỗ rất khang trang, độc đáo, được tọa lạc ở một vị trí rất đắc địa. Phần lưng của dinh thự tựa vào núi Vân Trung, mặt hướng ra dòng sông Năng và cánh đồng Nà Bản. Theo những người già ở đây kể lại, dinh thự này gồm 2 nhà chính, tổng diện tích trên 300 m2, được thiết kế thành 7 gian, 2 chái, với vật liệu chủ yếu là gỗ lim và nghiến, mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, nền lát bằng gạch đất nung màu xám (13 x 28cm). Toàn bộ dinh thự có khoảng 72 cột, 2 cột to nhất ở giữa có đường kính trên 50 cm. Chân cột kê lên hòn đá xanh, được chạm khắc hình rồng chầu nguyệt, dưới mỗi phiến đá đều được yểm một đồng bạc trắng. Xung quanh dinh thự được thiết kế nhiều gian nhà gỗ khác làm nơi ở cho các gia nhân và kẻ hầu người hạ. Ngoài ra còn khu chuồng ngựa có thể chứa được hàng trăm con ngựa, một khu sân rộng dùng tập luyện võ nghệ và chơi thể thao.


Đến năm 1909, con rể nạp tế của gia tộc tri châu Bảo Lạc là Nông Quảng Tuyên, tức Nguyễn Đình Giai đã nâng cấp, tân trang và xây thêm một nhà gạch bên ngoài với kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc địa phương. Khu nhà gạch này có tường dày 40 x 40cm, được xây bằng gạch đất nung, vôi và đường phên bản địa. Mỗi gian đều được thiết kế một lò sưởi và được nối với 2 ống khói trên mái nhà. Nếu nhìn tổng thể ngôi nhà có các đường nét hoa văn mang đậm kiến trúc Pháp, duy chỉ có phần mái là vẫn lợp ngói âm dương theo phong cách bản địa.


Trải qua hơn một thế kỷ, từ năm 1890 đến nay, với biết bao thăng trầm của lịch sử, dinh thự cổ đặc biệt này hiện chỉ còn giữ được duy nhất một ngôi nhà gạch phía ngoài, với dáng dấp cổ xưa và 2 cây dã hương cổ thụ trên 100 tuổi. Điều đáng buồn là không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương đã cho phá toàn bộ khu nhà gỗ, và chỉ giữ lại duy nhất ngôi nhà gạch để làm trụ sở của chính quyền. Ngay cả khuôn viên của dinh thự đến nay cũng chỉ còn khoảng 3.000 m2, phần còn lại đã được chính quyền địa phương cấp cho các hộ dân để làm đất ở.


Trong khi chưa có giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, ngày 18/11/2013, huyện Bảo Lạc có cuộc họp lấy ý kiến các cấp, ngành chức năng về việc phá dỡ dinh thự họ Nông Bảo Lạc để xây dựng trụ sở của UBND thị trấn Bảo Lạc. Sự việc trên khiến nhiều người dân, các nhà nghiên cứu, trí thức và dư luận nhân dân quan ngại, bức xúc. Điều đáng nói là trong cuộc họp này, lãnh đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã không tham dự (dù đã được mời). Theo ông Trương Minh So, Bí thư huyện Bảo Lạc, người trực tiếp chủ trì cuộc họp, trừ đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh ra, thì gần như tất cả các đại biểu tham dự cuộc hội thảo đều nhất trí với phương án phá bỏ dinh thự cổ này để xây dựng trụ sở UBND thị trấn Bảo Lạc.


Nên chăng, huyện Bảo Lạc và các cơ quan chức năng liên quan cần kịp thời phối hợp triển khai biện pháp để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị công trình kiến trúc cổ độc đáo, cảnh quan đẹp, là chứng tích của dòng họ nổi tiếng trong lịch sử đã có công với quá trình hình thành và phát triển huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc; góp phần bảo tồn di sản văn hóa cho hậu thế, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế du lịch tại địa phương, tránh tình trạng khi phá hết đi rồi mới lo đi trùng tu, bảo vệ.


Bài và ảnh: Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN