Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Phạm Trung Cương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang - người rất tâm huyết với công tác dân tộc của tỉnh Tuyên Quang. Chia sẻ về hiệu quả công tác tuyên truyền của báo Tin Tức - Kênh thông tin của Chính phủ do Thông tấn xã Việt Nam phát hành đến người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua, ông Cương khẳng định: Hiện Tuyên Quang có đến 19 ấn phẩm được cấp phát miễn phí đến những thôn đặc biệt khó khăn và các xã vùng 135. Tuy nhiên báo Tin Tức là một kênh quan trọng trong việc tuyên truyền đến đồng bào những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, báo đã không ngừng đổi mới về cả nội dung và hình thức, nên chất lượng thông tin không ngừng được nâng cao.
Ông Phạm Trung Cương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang. |
Theo ông Phạm Trung Cương, báo Tin Tức phát hành từ thứ 2 đến thứ 7, ngoài ra còn có số cuối tuần đã cập nhật liên tục, chính xác tình hình thời sự trong nước và quốc tế, giúp người đọc nắm đầy đủ mọi thông tin cần thiết. Đặc biệt, báo có trang thông tin “Dân tộc và miền núi”, đây là trang quan trọng, dành riêng cho đồng bào vùng sâu vùng xa, thể hiện rõ nét sự quan tâm đặc biệt của tờ báo đến cộng đồng dân tộc thiểu số. Với nhiều chuyên mục hấp dẫn như: "Kinh nghiệm làm ăn", "Chính sách cuộc sống", "Gương sáng soi chung", "Phổ biến kiến thức"... các chuyên mục này mang lượng thông tin rất thiết thực đối với bà con nhân dân. Bà con có thể biết được những chính sách mới ảnh hưởng trực tiếp đến mình qua chuyên mục "Chính sách cuộc sống", hay áp dụng thông tin từ chuyên mục “Phổ biến kiến thức”, “Gương sáng soi chung” vào sản xuất, chăm sóc cây trồng vật nuôi... để làm giàu trên quê hương mình.
Đồng bào tỉnh Tuyên Quang biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất, chất lượng cao hơn trước. |
Chia sẻ về mong muốn của người dân với báo Tin Tức, ông Cương cho rằng, báo cần có thêm một trang riêng về văn hóa các dân tộc, bởi thực tế những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng, quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng việc giữ gìn, bảo tồn rất khó khăn. Việc có thêm một trang "Văn hóa dân tộc" không những khuyến khích bà con bảo tồn văn hóa của mình mà còn là cơ hội để các dân tộc hiểu biết rõ hơn về văn hóa của các dân tộc anh em khác. Đối với trang "Dân tộc và miền núi", theo ông Cương báo cần đưa thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế mang đặc trưng của vùng miền của đồng bào dân tộc miền núi để người dân có điều kiện học hỏi, làm theo.
Đối với vùng 135 và các thôn đặc biệt khó khăn, người dân ở đây có ít nguồn thông tin nên thông tin trên báo chí là nguồn thông tin rất quan trọng và hữu ích. Để bà con tiếp cận với các mô hình kinh tế, những phương pháp canh tác có hiệu quả, theo ông Cương, ngoài việc đưa tin, báo cần cần hướng dẫn kỹ thuật cơ bản để người dân được học và làm theo hoặc có thêm trang "Khoa học kỹ thuật" để hướng dẫn bà con áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả tốt hơn.