Bậc học mầm non ở Cao Bằng còn nhiều thiếu thốn

Sau gần 3 năm thực hiện, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngành Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đang gặp phải những khó khăn không nhỏ, tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng trang thiết bị, cơ sở vật chất ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe, thể chất, giáo dục tinh thần cho trẻ.


 

Một lớp trẻ 5 tuổi ở trường Mầm non bản Nà Đuốn, xã Hồng Trị (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).  Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN

 

Tỉnh Cao Bằng còn 66/199 xã, phường chưa có trường mầm non. Toàn tỉnh có 803 lớp học dành cho trẻ 5 tuổi, thì có tới 528 lớp đang học tại phòng tạm, học nhờ; 627 lớp chưa có đồ dùng, đồ chơi, bộ thiết bị tối thiểu; 527 lớp chưa có nhà vệ sinh... Những khó khăn về cơ sở vật chất đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận động phụ huynh cho con em đến trường. Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ vào học mầm non của Cao Bằng mới đạt 14,75%, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thấp, còi, suy dinh dưỡng của trẻ em Cao Bằng cũng cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước 10%. Số này tập trung chủ yếu ở các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như: huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An…


Thành phố Cao Bằng là nơi được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, cũng vẫn còn 3/11 xã, phường chưa có trường mầm non riêng, phải dùng chung cơ sở vật chất với các trường tiểu học. Khối mầm non phường Tân Giang chưa có trường riêng nên bị phân làm 4 nhóm, mỗi nhóm cách xa nhau cả mấy km, nên việc quản lý, điều hành của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

 

Cô Trần Thị Lâm, giáo viên mầm non Tân Giang cho biết: Năm học 2012 - 2013, do thiếu phòng học, thầy cô giáo phải bố trí các cháu 3 - 5 tuổi chung một lớp. Điều này gây khó khăn cho giáo viên vì nhận thức của trẻ khác lứa tuổi không giống nhau, cách thức sinh hoạt, ăn uống cũng khác nhau nhiều. Mặt khác, dễ nảy sinh tình trạng trẻ lớn tuổi bắt nạt trẻ nhỏ tuổi, rất khó kiểm soát. Do thiếu sân chơi nên không có chỗ cho trẻ tập thể dục, hoạt động ngoại khóa, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ. Ở vùng sâu, vùng xa, các cháu phải học trong những nhà rách nát, nhà kho tạm bợ vừa mất vệ sinh, thiếu an toàn cho trẻ. Về mùa đông, các cháu còn có nguy cơ nhiễm lạnh cao vì phòng học không đảm bảo, không che chắn được gió lùa, mưa phùn.


Bà Hứa Thị Còn, Trưởng phòng Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng) cho biết: Cao Bằng đang tập trung nguồn lực đầu tư cho bậc học mầm non, nhưng kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi còn hạn chế. Mặt khác, do địa hình miền núi, đi lại khó khăn, kinh phí đầu tư lớn nên công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc.


Tỉnh Cao Bằng đã đặt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, mục tiêu này còn khá xa vời. Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo kế hoạch, Cao Bằng cần được đầu tư trên 400 tỷ đồng; cần có 224.000 m2 đất xây trường lớp; xây mới, sửa chữa 528 phòng học, 528 phòng vệ sinh, 201 nhà bếp, 50 phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật; mua mới 2.012 tủ lạnh; 627 bộ thiết bị phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ…


Để giải quyết bài toán trường lớp, cơ sở vật chất cho trường mầm non ở Cao Bằng không chỉ cần sự đầu tư kịp thời, đồng bộ của Nhà nước, mà còn cần sự quan tâm của toàn xã hội. Mong rằng những khó khăn của bậc học mầm non tỉnh Cao Bằng sẽ sớm được cải thiện.


Quốc Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN